“Tôi kêu gọi nước Mỹ ngay bây giờ. Tôi kích hoạt hiệp ước Mỹ - Philippines đây. Tôi muốn Mỹ điều Hạm đội 7 ra trước mặt Trung Quốc. Tôi yêu cầu ngay bây giờ. Chúng tôi cũng sẽ tham gia”, ông nói trong cuộc phỏng vấn trên TV.
Hiệp ước mà ông Duterte nhắc đến được ký năm 1951, theo đó hai nước đồng ý sẽ hỗ trợ nhau nếu một nước bị tấn công.
“Chính tôi sẽ lên tàu cùng đô đốc Mỹ. Tôi sẽ kéo Carpio và nhóm của ông đi cùng. Khi người Mỹ đến và nói đã tới rồi, sẵn sàng rồi, tôi sẽ bắt họ (Carpio) ra đây”.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói: "Chính tôi sẽ lên tàu cùng đô đốc Mỹ". Ảnh: Phủ Tổng thống Philippines. |
Ông Duterte đang nhắc đến nhóm các quan chức cấp cao Philippines thường chỉ trích ông về tranh chấp biển với Trung Quốc, như Antonio Carpio, Albert del Rosario và Conchita Carpio-Morales. Del Rosario và Morales là hai quan chức đã đệ đơn lên Tòa án Hình sự Quốc tế thay mặt cho các ngư dân Philippines, chống lại hoạt động của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.
“Có thể đó là dấu chấm hết của Palawan (một đảo của Philippines - PV). Palawan chắc sẽ bị hủy diệt, chiếm đóng hoặc bị thả bom nguyên tử. Chúng ta sẽ chết khô. Chẳng trồng được cây gì trên đó, chỉ có thể chờ chết thôi”, tổng thống Philippines nói.
Tổng thống Philippines đang nhắc lại những phát biểu tương tự của ông từ đầu tháng này. Trong một tuyên bố ngày 8/7, ông nói “nếu Mỹ muốn Trung Quốc rời đi, hãy đưa toàn bộ Hạm đội 7 vào Biển Đông. Khi họ tới trước, chúng tôi sẽ theo sau”.
Hạm đội 7 mà Tổng thống Duterte thách Mỹ đưa vào Biển Đông đang đóng quân ở Yokosuka, Nhật Bản. Hạm đội có quy mô khoảng 70-80 tàu chiến, tàu ngầm, hàng trăm máy bay và hàng nghìn thủy quân lục chiến, và thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ tự do hàng hải trên Biển Đông.
Mỹ khẳng định sẽ đáp trả trong trường hợp Philippines bị tấn công. Đại sứ Mỹ ở Manila Sung Kim đã nói mọi cuộc tấn công vào binh sĩ Philippines buộc Mỹ có nghĩa vụ phản ứng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định “mọi cuộc tấn công vũ trang lên các lực lượng, máy bay, hay tàu thuyền công vụ của Philippines ở Biển Đông” sẽ kích hoạt hiệp ước.
Trước đó, ngày 5/7, vị tổng thống thường xuyên phát biểu “tùy hứng”, gạt đi mọi thông lệ ngoại giao đã thách thức Mỹ tuyên chiến với Trung Quốc. Ông nói: “Cứ bắn phát đầu đi. Tôi theo sau. Chúng ta có hiệp ước phòng thủ chung mà, phải vận dụng chứ. Các ông muốn rắc rối chứ gì? Ok, chiến thôi”.
Dù có những phát biểu giả tưởng về cảnh Mỹ đưa quân tới khu vực như trên, ông Duterte cũng thường nói Philippines cần quan hệ tốt với Trung Quốc và quân đội nước này không thể đấu lại quân đội Trung Quốc. Ông đã bị chỉ trích là quá mềm mỏng với Bắc Kinh, mất hơn một tuần mới lên tiếng về 22 ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm và bỏ rơi trên biển vào tháng sáu.