Hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” hay “sử dụng quỹ đất để phát triển hạ tầng” xuất hiện tại Việt Nam từ đầu những năm 1990, được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng đầu tiên.
Khi ngân sách Nhà nước tại địa phương không đủ để phát triển hạ tầng nhưng lại có quỹ đất đai lớn, từ đó hình thành hợp đồng với các nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng hạ tầng và sẽ được đổi trả bằng quỹ đất đai.
Tuy nhiên, hình thức này được các chuyên gia đánh giá rất thiếu minh bạch vì không ai xác định được giá trị con đường xây dựng do ai quyết định, quyết toán, kiểm toán... Đất đai đem đổi lấy con đường được tính theo giá đất nông nghiệp hay đất ở... Tất cả phần giá trị trao đổi đều không rõ ràng.
Hình thức này đã bị "khai tử" từ năm 2004, tại Nghị định số 181/2004/NĐ-CP quy định về thực hiện đấu giá đất sau khi phê duyệt quy hoạch hạ tầng để lấy tiền xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên hiện nay, mô hình đổi đất lấy hạ tầng vẫn được sử dụng qua các dự án BT (Xây dựng – Chuyển giao).
Hàng loạt dự án BT đã được đầu tư xây dựng tại Hà Nội, TP.HCM… quy mô các dự án từ vài trăm tỷ cho tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Rất nhiều dự án hạ tầng ở Việt Nam được xây dựng theo hình thức BT. Trong ảnh là cầu vượt ngã 3 Huế (Đà Nẵng) nằm trên quốc lộ 1A với tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng. Ảnh: NPV. |
Chia sẻ bên lề cuộc Hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy sáng nay, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho hay chính quá trình đầu tư của Việt Nam hiện nay quá kém minh bạch trong quản lý, đã tạo mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm trong hoạt động xây dựng các dự án.
Để minh bạch hóa các khoản đầu tư, ông Cùng cho rằng nên bán đất một cách công khai, thay vì “đổi đất lấy hạ tầng” như hiện nay.
“Theo tôi, không nên tiếp tục cái gọi là đổi đất lấy công trình nữa. Tại sao chúng ta phải đổi đất trong khi chúng ta có thể bán đất một cách công khai minh bạch, sau đó lấy tiền đem đi đầu tư”, ông Cung chia sẻ.
Ông Cung nói cần phải có suy nghĩ khác để sử dụng nguồn lực tốt hơn. Sử dụng nguồn lực cũng phải trên nguyên tắc bán đất lấy tiền để đầu tư, chứ không nên dùng hình thức hàng đổi hàng, thiếu minh bạch như hiện nay.
Để tháo gỡ hiện trạng này, Việt Nam cần thị trường hóa, thương mại hóa vốn đầu tư từ đó sử dụng vốn một cách hiệu quả. Ông khẳng định không nhất thiết phải đầu tư vào dự án nào cố định, mà có vốn phải chọn những dự án có hiệu quả nhất để đầu tư.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Việt Nam không nên sử dụng đất để đổi lấy dự án hạ tầng thêm nữa. Ảnh: Việt Hùng. |
Ông Cung cũng chia sẻ thêm thực trạng hiện nay nhiều chủ đầu tư sẵn sàng vay ngân hàng với lãi suất cao để đầu tư các dự án, mà quên đi trách nhiệm.
“Việc chủ đầu tư vay vốn cao có thể là do lợi nhuận của người ta cao, đủ tiền để trả lãi ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vay tiền để làm dự án, khi dự án đổ vỡ, Nhà nước lại phải đứng ra gánh chịu chứ không phải chủ đầu tư gánh.
Thực tế đã có nhiều sai phạm tại các dự án cụ thể trong thời gian qua”, vị Viện trưởng cho biết.
Việt Nam lâu nay vẫn tập trung phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ mà quên đi phát triển môi trường kinh doanh, cụ thể là thị trường quyền sử dụng đất.
“Nếu chúng ta cải cách, phát triển được thị trường quyền sử dụng đất này, chúng ta sẽ vốn hóa được quyền sử dụng đất thành hàng triệu, hàng trăm nghìn tỷ đồng từ đây”, ông Cung nhấn mạnh.
Chỉ khi phát triển được thị trường quyền sử dụng đất mới có định hướng xử lý hiệu quả. Các giao dịch này cũng sẽ trở nên minh bạch và triệt tiêu được địa tô ở trung gian và lợi ích nhóm xung quanh. Lợi ích các bên sẽ được nhiều hơn và sẽ sử dụng tốt hơn nguồn lực hiện có.