Tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy" diễn ra sáng nay ở Hà Nội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có những chia sẻ liên quan đến tăng trưởng kinh tế.
Phó thủ tướng cảnh báo về việc chọn nhiều trọng tâm, trọng điểm
Mở đầu bài phát biểu, Phó thủ tướng cho biết một số vấn đề hiện nay là Việt Nam thiếu nhiều chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng, nhiều chuyên gia kinh tế không tin tưởng vào số liệu thống kê. Ông cho biết cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá chất lượng. Nếu không có nội hàm thống nhất thì mỗi bên sẽ có đánh giá khác nhau thậm chí mâu thuẫn nhau.
Theo ông, GDP 9 tháng đầu năm 2017 so với 2015-2016 có bước tăng trưởng. Chỉ số 3 tháng quý III năm nay là gần 7,5% so với con số 5,93% của năm 2016 và 6,5% của năm 2015 có sự tăng trưởng ngoạn mục. Dự kiến, quý IV năm nay, GDP còn có tốc độ tăng cao hơn nữa.
Giới chuyên gia thì cho rằng mức tăng trưởng trên đặt ra nhiều ý kiến khác nhau, không chỉ về số liệu mà còn ở cách nhìn triển vọng kinh tế.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, việc chọn trọng tâm, trọng điểm phát triển cần tính toán vì nếu quá nhiều thì sẽ thành mũi nhọn kiểu "gai mít', cái gì cũng nhọn. Ảnh: Việt Hùng. |
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên, đề xuất không nên chạy theo tăng trưởng từng năm một. Ông kiến nghị GDP chỉ là chỉ tiêu định hướng để không gây áp lực cho Chính phủ.
Ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh rằng cách tiếp cận vấn đề tăng trưởng ở Việt Nam vẫn bị lệch, nghiêng về số lượng còn về chất lượng thì nói nhiều nhưng chưa đầy đủ. Việc không nên chạy theo tăng trưởng từng năm một, theo ông, sẽ là động lực để tạo ra động lực tăng trưởng mới.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết ngoài việc tăng trưởng, vấn đề tiếp theo là làm rõ động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong thời gian tới. Ông cho rằng giờ là lúc cần phân tích kỹ cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 đang ập đến.
Việc lựa chọn đúng trọng tâm phát triển, đánh giá đúng năng lực cạnh tranh của Việt Nam nhìn từ góc độ doanh nghiệp cũng cần được đặt ra. “Nếu chọn quá nhiều trọng tâm, trọng điểm thì thành mũi nhọn kiểu ‘gai mít’, cái gì cũng nhọn”, ông chia sẻ.
Lệch pha trong phát triển của khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước cũng được ông đề cập. Phó thủ tướng cho biết thường nói phải chọn lọc theo hướng phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, chọn doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, có chuỗi giá trị, thân thiện môi trường.
“Nhưng cần kết nối khu vực này thế nào để cùng mạnh lên, tránh rơi vào rủi ro một nền kinh tế có 2 khu vực, thậm chí là câu chuyện có 2 nền kinh tế ở một quốc gia”, Phó thủ tướng nói.
Chuyên gia hiến kế phát triển
Bên cạnh chỉ số, mục phát triển kinh tế, các chuyên gia tại hội thảo đặc biệt quan tâm tới môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Môi trường kinh doanh tại Việt Nam tuy đã được tháo gỡ hơn trong 2 năm gần đây nhưng thực tế sự cải thiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Chia sẻ trong hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết trong 2 năm qua Chính phủ mới chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chứ chưa thể thuận lợi hóa thương mại như quốc tế.
"Tháo gỡ còn vất vả, khó khăn như vậy thì làm sao mà thuận lợi thương mại được. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động vẫn rất khó khăn", chuyên gia cho biết. Theo bà Lan, khối doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam dễ hơn các doanh nghiệp nội địa trong nước. Đây chính là nguyên nhân khiến các chỉ số về điều kiện kinh doanh của Việt Nam được quốc tế đánh giá tốt hơn.
"Các điều kiện kinh doanh của Chính phủ hiện nay lại chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp nội địa. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay vẫn tập trung chăm lo cho doanh nghiệp nước ngoài hơn là doanh nghiệp trong nước, điều này khiến chúng ta mất đi nhiều nguồn lực", bà Lan nói.
Cũng trong cuộc hội thảo, TS. Trần Du Lịch cho biết Việt Nam đang phải giải bài toán kép về tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế, không đánh mất nguồn lực. Nếu không giải quyết được điều kiện kinh doanh và phát triển nền công nghiệp phụ trợ sẽ rất khó để kinh tế Việt Nam có thể phát triển thật sự.
"Nếu không giải quyết được bài toán kép, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng bình thường, lình xình ở mức 5-6% GDP mỗi năm bình thường. Nhưng nền kinh tế Việt Nam sẽ không bao giờ là nền kinh tế phát triển", ông Lịch khẳng định.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cần tập trung nguồn lực vào những mục tiêu trọng điểm, những dự án thật sự hiệu quả.
"Không nên đầu tư tràn lan mà phải chọn dự án thật sự có hiệu quả, tác động tới nền kinh tế", ông Cung cho biết. Vị viện trưởng cũng chia sẻ mục tiêu hàng đầu của Chính phủ hiện nay chính là tăng trưởng kinh tế, muốn tăng trưởng kinh tế hiệu quả cần phải huy động nhiều nguồn lực khác nhau, đặc biệt là thị trường vốn, không chỉ vốn nước ngoài mà là vốn nội địa.