"Khi bóng đá Việt Nam tiếp tục bứt phá ở các giải đấu, mọi lứa tuổi, bóng đá Trung Quốc càng phải cảnh giác", QQ mở đầu bài phân tích về cuộc đối đầu sắp tới giữa hai đội.
Tuyển quốc gia Việt Nam sẽ có lần đầu gặp Trung Quốc kể từ năm 2012. Ảnh: Sina. |
Những bước tiến của tuyển Việt Nam
Cuối cùng, tuyển Trung Quốc sẽ gặp Việt Nam tại vòng loại World Cup. Liệu câu nói kinh điển của Fan Zhiyi (cựu hậu vệ vốn được xem là biểu tượng của bóng đá Trung Quốc từng dự World Cup 2002 - PV) có trở thành hiện thực?
"Trình độ bóng đá Trung Quốc hiện nay như thế nào? Chỉ có mấy người biết chơi bóng. Chúng ta sẽ thua Việt Nam, rồi cả Myanmar, và rồi không thắng được đội nào nữa", Fan Zhiyi từng chia sẻ năm 2013.
Những chia sẻ của Zhiyi cách đây 8 năm có thể là một trong những nhận định ảnh hưởng và được lưu truyền nhiều trong lịch sử bóng đá Trung Quốc. Chừng nào bóng đá Trung Quốc gây thất vọng, câu nói của Zhiyi sẽ còn được người hâm mộ nhắc đến.
Chiều 1/7, khi lễ bốc thăm chia bảng vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á diễn ra, lời nhận xét của Zhiyi lại được chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn. Lý do rất đơn giản, đội tuyển Trung Quốc nằm chung bảng với Việt Nam.
Tuyển Trung Quốc có thắng được Việt Nam không? Sức mạnh của tuyển Việt Nam là gì? Hai đội nằm chung bảng liệu có phải là điều tốt? Hàng loạt các câu hỏi được người hâm mộ đặt ra và chờ thời gian để có câu trả lời. Điều chắc là tuyển Trung Quốc không có lý do gì để xem nhẹ đối thủ, bởi bóng đá Việt Nam đang trên đà thăng hoa.
Thực tế, giới bóng đá Việt Nam cũng mong chờ cuộc so tài với tuyển Trung Quốc. Họ cũng có những niềm tin vào chiến thắng của đội tuyển. Sự tin tưởng của người hâm mộ Việt Nam là có căn cứ.
Tại vòng loại thứ 2, Việt Nam đã dẫn đầu bảng đấu trước khi dịch bệnh bùng phát. Họ thắng cả UAE, đội được đánh giá mạnh nhất trong bảng. Khi đó, những người làm bóng đá thấy được thành quả mà họ dày công vun đắp cho những "mần non".
Tuyển Việt Nam đã không phung phí khởi đầu như mơ đó. Khi vòng loại trở lại tại UAE, họ lần lượt hạ Indonesia và Malaysia để lần đầu tiên trong lịch sử góp mặt ở vòng loại thứ ba.
Tuyển Việt Nam lập nhiều kỳ tích dưới thời HLV Park. Ảnh: AFC. |
Bóng đá Việt Nam quả thực tiến bộ nhiều trong những năm qua, tinh thần đoàn kết cũng đáng ghi nhận. Trong màu áo câu lạc bộ, họ là đối thủ của nhau, cạnh tranh cho danh hiệu. Tuy nhiên, khi lên đội tuyển, họ lại cho thấy sự ăn ý.
Điều này có công lớn của huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo và đội ngũ của ông. Kể từ khi nhậm chức, HLV Park đã trực tiếp đến các sân theo dõi từng trận tại V.League, để hiểu hơn về các cầu thủ Việt Nam. Chính điều đó giúp tuyển Việt Nam luôn chơi hiệu quả trong các trận then chốt, tạo khó khăn cho các đội mạnh.
Người hâm mộ bóng đá Trung Quốc đã nghe nói về sự vươn lên của bóng đá Việt Nam nhờ việc chú trọng đào tạo trẻ. Ngay từ năm 2007, CLB HAGL mở học viện bóng đá khi liên kết với Arsenal. Vài năm sau đó, họ dần đạt được kết quả. Nhóm cầu thủ lứa 95 như Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Nguyễn Văn Toàn hay Nguyễn Tuấn Anh đã trở thành những tài năng trẻ đầu tiên của học viện và có chỗ đứng vững chắc trong đội tuyển quốc gia.
Trong thời gian ngắn, bóng đá Việt Nam nhanh chóng mở cơ sở đào tạo trẻ tiếp theo mang tên PVF. Đây là cơ sở đào tạo trẻ hàng đầu châu Á. Học viện cũng mời 2 cựu sao Man Utd là Rian Giggs và Paul Scholes về làm việc. Tiếp đó, Philippie Troussier cũng tham gia vào ban huấn luyện. Những năm qua, PVF đã đóng góp nhiều cầu thủ cho tuyển Việt Nam ở các lứa tuổi.
Không dừng lại ở đó, những đội bóng khác như SLNA, Hà Nội hay Viettel cũng có lò đào tạo trẻ tốt, khi giành các chức vô địch giải trẻ.
Dấu ấn Quang Hải, Tiến Linh
Bóng đá Việt Nam đã thực sự để lại dấu ấn ở sân chơi châu Á từ năm 2016. Khi đó, đội tuyển quốc gia Việt Nam xếp hạng 136 FIFA. Ở giải trẻ châu Á năm đó, những cầu thủ như Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Tiến Linh đã làm thay đổi lịch sử bóng đá Việt Nam.
Những cầu thủ trẻ thi đấu thăng hoa và lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền dự U20 World Cup sau khi hạ Bahrain ở tứ kết. Điều khiến người hâm mộ Việt Nam phấn khích hơn cả là ngay trong lần đầu góp mặt ở đấu trường thế giới, các cầu thủ trẻ có được điểm số lịch sử khi cầm hòa New Zealand. Bây giờ, khoảng 1/3 số cầu thủ đó đang góp mặt trong đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Trong những năm gần đây, bóng đá Việt Nam lập nhiều thành tích ấn tượng như ngôi á quân VCK U23 châu Á 2018, hạng 4 Asian Games 2018, vô địch AFF Cup, giành HCV SEA Games, và top 8 Asian Cup 2019. Thế hệ cầu thủ đã làm nên lịch sử này đang dẫn dắt bóng đá Việt Nam tiếp tục trỗi dậy.
Tiến Linh ghi cả 2 bàn khiến U22 Trung Quốc thua 0-2 trước U22 Việt Nam. Ảnh: Sina. |
Đội hình tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup không khác nhiều so với vòng loại thứ hai. Tuyển Trung Quốc cần chú ý đến Nguyễn Quang Hải và Nguyễn Tiến Linh trên hàng công.
Quang Hải, cầu thủ sinh năm 1997, gây ấn tượng với người hâm mộ kể từ VCK U23 châu Á 2018. Anh liên tục tỏa sáng với những cú đá phạt thành bàn, giúp U23 Việt Nam vào tới chung kết. Trong trận gặp Saudi Arabia, Quang Hải ghi bàn mở tỷ số cho tuyển Việt Nam ngay ở phút thứ 3. Nếu tuyển Việt Nam làm nên chuyện tại vòng loại thứ 3, Quang Hải chính là một trong những vũ khí đáng tin cậy.
Với Tiến Linh, phong độ ổn định giúp anh trở thành "vũ khí săn bàn" dưới thời HLV Park. Anh đã có 5 pha lập công tại vòng loại, là nhân tố quan trọng trên hàng công. Tiến Linh cũng từng khiến U22 Trung Quốc nhận trận thua ngay trên sân nhà tại giải giao hữu năm 2019.
Lúc này, tuyển Việt Nam chắc chắn không phải là đối thủ mà Trung Quốc xem nhẹ. Liệu câu nói kinh điển của Fan Zhiyi có tiếp tục được nhắc đến hay không. Điều đó sẽ phụ thuộc vào kết quả trận đấu tới giữa hai đội.