Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Truyền thống gia đình Nam Bộ

Trên lý thuyết, xã hội ta theo phụ hệ, nhưng ở Nam bộ, người con gái, người đàn bà nắm khá nhiều quyền hạn.

Truyền thống gia đình hình thành từ kinh tế nông nghiệp. Nói đến truyền thống là nhắc nhở nền nếp được noi theo liên tục, qua những biến cố lịch sử, lắm khi người noi theo lại không ngờ mình đã... theo truyền thống.

Nói chung trong cả nước, truyền thống vẫn giống nhau nhưng vì hoàn cảnh phân tán, tình hình gia đình giàu nghèo, khả năng liên lạc, nên có khác về chi tiết. Nam bộ gặp nạn khan hiếm nhà đất. Về già ai cũng muốn trở về truyền thống xưa, nhưng nhà chật làm sao bày biện bàn thờ tổ tiên?

Ngày giỗ, khó nhắc nhở con cháu nên qui tụ lại cho ấm cúng. Dịp cưới hỏi, lắm khi đại gia đình đoàn tụ để chung vui. Khi gặp ma chay, việc nhắn tin, khả năng tài chính lắm khi khó khăn đối với vài người trong thân tộc. Thêm trường hợp gia đình có người di tản, chỉ là nhắn tin muộn màng, gởi ảnh, gởi bằng video.

Ngay trong địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, giữa các quận nội thành và ngoại thành, ta vẫn thấy có khác biệt. Lại có ảnh hưởng của gia đình bên chồng, bên vợ, về tôn giáo (đạo Phật, đạo Thiên Chúa...), ít ai còn giữ được truyền thống mà mình mơ ước.

Ngày Tết, đoàn tụ gia đình ngay trong nội thành là việc khó: sinh kế, đi tỉnh làm việc, ốm đau, phương tiện, quà cáp. Khó tìm đất để chôn cất, thái độ của gia tộc đối với cái hũ đựng cốt ra sao? Nghi thức tụng niệm, mời nhà sư làm tuần lắm khi tùy từng người. Ngày giỗ lắm khi dời lại cho đúng ngày chủ nhật để bà con rảnh rang đoàn tụ.

Son Nam anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Pixabay/Pexels.

Vấn đề khái quát, xin dựa vào Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính mà khẳng định vài nét.

Cha mẹ:

Nói chung gọi cha mẹ là ba, má không còn gọi là tía, má (tía là tiếng Hoa). Gọi bố, lắm khi là đùa cợt thân mật. Đặt tên cho con không còn kiêng kị như trước. Vì tiếp xúc với thành thị, thêm ảnh hưởng chiến tranh, ai cũng muốn con cái mình mang tên đẹp. Tên con trai gợi sự dũng mãnh, phấn đấu, vì vậy lắm khi đặt là Hùng, Dũng, con gái gợi vẻ đẹp như Thúy, Hoa, Đào.

Thời trước 1945, ở nhà quê thường kiêng cữ, sợ ma quỉ quấy rối nên đặt tên con với tiếng xấu xí: Chuột, Vẹo, Đen. Hoặc sợ vì đông con nên nuôi không xuể, đặt là Út rồi Út Nhất, Út Nhì hoặc Thôi, Hết. Nay những tên xấu không còn nữa. Gọi cha mẹ bằng anh chị đề phòng ma quỷ, con ranh con lộn, hoặc gọi cha mẹ là cậu mợ gần như không còn thông dụng.

Vai trò của người con gái trong gia đình:

Trên lý thuyết, xã hội ta theo phụ hệ, nhưng ở Nam bộ, người con gái, người đàn bà nắm khá nhiều quyền hạn.

Mẹ sinh đẻ, cha đau ốm, việc săn sóc thuộc về người vợ, hoặc con gái, nếu không con gái thì con dâu.

“Phu tử tùng tử” cũng là lý thuyết. Trong thực tế, cha mất mẹ cầm quyền, trừ trường hợp đặc biệt mẹ nhường quyền cho con. Mua bán nhà đất, cưới vợ gả chồng cho con cái, trường hợp vắng cha vẫn là người mẹ quyết định.

Vì kinh tế thị trường, lắm khi người đàn bà có hoàn cảnh làm kinh tế gia đình, hoặc kinh doanh: chơi hụi hè, mở tiệm tạp hóa, cho vay đặt nợ. Con mà được mẹ yêu thương, nhất định được chia phần gia tài nhiều hơn mấy đứa khác. Ngày giỗ trong gia đình, người mẹ, hoặc người vợ có phận sự nhắc nhở và quyết định cách tổ chức lớn hay nhỏ.

Nề nếp nầy vô cùng quan trọng, và được chứng minh thời kháng Pháp, chống Mỹ: lắm khi người vợ, người mẹ đôn đốc chồng con lo việc nước. Lại còn kiên trì thăm nuôi chồng con khi bị bắt, bị tù. Gương kiên nhẫn của người phụ nữ chờ chồng đi tập kết là bằng cớ.

Khi đặt tên cho con, người chồng luôn tham khảo ý kiến của vợ. Việc bố trí bàn thờ thánh thần và Phật trong nhà thường là người đàn ông nhường quyền cho vợ. Người đàn bà nói chung săn sóc phần kinh tế gia đình để người đàn ông rảnh rang lo việc ngoài xã hội.

Đặt tên con, nói chung, tránh trường hợp vô tình trùng với tên của ông bà hoặc bà con thuộc vai vế lớn hơn.

Riêng việc cưới hỏi, người Việt tỏ ra khắt khe so với người Pháp, hoặc người Hoa. Quá bốn đời không nhận ra liên hệ huyết thống thì mới được cưới hỏi. Khác họ, dễ cưới nhau, nhưng bà con bên dì (con của hai chị em) vẫn cấm kỵ. Cùng chung một họ, nhưng ở địa phương khác nhau, dễ cưới hỏi nhau.

Sơn Nam/NXB Trẻ

SÁCH HAY