Ông cha ta thời Nguyễn Hữu Cảnh (1698) đã đến vùng Đồng Nai - Cửu Long mở nước với động cơ chính là tìm công ăn việc làm, cơ bản là tìm đất canh tác vì miền Trung đất chật, người đông. Chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài dạo trước, tuy đình chiến ở sông Gianh nhưng chắc gì nguy cơ chiến tranh không còn nữa.
Vào Nam để làm kinh tế chớ không phải để tìm hứng làm thơ ca, soạn tuồng tích hát bội. Mặc nhiên, người Việt Nam hồi cuối thế kỷ XVII đã đạt trình độ cao với vốn ca dao, hò hát dân gian xuất phát từ vùng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh.
Người Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên (Quảng Đức), Quảng Nam, Quảng Ngãi (gọi dân Ngũ Quảng) gốc là người đồng bằng sông Hồng, sông Mã. Vả lại, chúa Nguyễn buổi ấy cần nhân công để khẩn hoang, ranh giới sông Gianh không khóa chặt, người bên kia sông qua bên nầy sông, thêm số tù binh mà chúa Nguyễn bắt được, ít ai muốn về quê xứ.
Khi chấp nhận đi khẩn hoang, người dân đã chuẩn bị nghị lực lớn để chịu thử thách. Họ không bị ràng buộc về tập quán canh tác cũ và lễ giáo phong kiến. Vả chăng, vua chúa nhà Nguyễn biết rõ ra thực dụng. Tha hồ khẩn hoang, đạt sản lượng cao về lúa thóc, xây được nhà cửa, đào được ao cá, tạo ra miếng vườn rồi thì nhà nước sẽ “tính toán” sau.
Thí dụ như đất ruộng không cần ranh giới rõ rệt, trước khi thành lập địa bạ thời Minh Mạng, có thể khai báo là một dây đất (câu hát: Đất năm dây cò bay thẳng cánh) hoặc ghi tạm là một khoảnh, một sở.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Quang Nguyen Vinh /Pexels. |
Quan sở tại yên tâm vì trước sau gì người khẩn hoang cũng muốn được an cư lạc nghiệp và nhìn nhận là dân đứng bộ (không phải dân lậu). Từ dân đứng bộ, sẽ được chỉ định làm hương cả, làm cai tổng. Nói như thế để thấy ở Sài Gòn - Gia Định thời khẩn hoang, ngay trong nội thành vẫn tổ chức ra làng, với đình làng mà nay còn dấu ấn, mặc dầu người Pháp giải tỏa, hạn chế.
Nhìn chung, nước Mỹ ngày nay quá to rộng, lưu dân từ châu Âu qua lập nghiệp nhờ thiên nhiên tương đối ưu đãi với hầm mỏ. Dân Việt Nam ta, với quy mô đất đai hạn hẹp, cũng vào thời điểm ấy, đã gặp nhiều bất lợi. Lưu dân bên Mỹ sống vào thời kỳ đang hưng thịnh của tư bản châu Âu, họ đi với tàu lớn, an toàn, tại đô thị của vùng khẩn hoang có bưu cục để gửi thư từ, có trạm xá, nhà in, lại có thông tin qua báo chí.
Đặc biệt là họ có súng đạn khá lợi hại để bắn bò rừng và “người da màu” ở bản địa. Ta thì đi bộ, hoặc đi thuyền nhỏ, nhà cửa là tre lá, gỗ, phương tiện chỉ là lò rèn thủ công, với cây dao cây rìu cái nồi đất. Đặc biệt, ta không có ngân hàng tín dụng như ở Mỹ, muốn sản xuất lớn cũng thiếu vốn.
Ngay buổi đầu, người Mỹ lập ra hạ tầng cơ sở với lộ xe (ngựa kéo) nhiều nhà kinh doanh đã mở đường xe lửa xuyên lục địa, giúp hàng hóa lưu thông nhanh chóng. So sánh như vậy là thô thiển nhưng để ta thấy sự kham khổ của tổ tiên.
Điều đáng thán phục là sự thích ứng của lưu dân trong bối cảnh đất mới, bao la, sình lầy, ẩm thấp. Ở miền Trung, ruộng canh tác vùng đất cao, mỗi người lo một khoảnh nhỏ, kỹ thuật cày cuốc có khác.
Ngay ở Sài Gòn và vùng ngoại thành, đất khá rộng, có cọp, có sấu, bệnh sốt rét hoành hành thiếu tổ chức tối thiểu về y tế. Ruộng phải canh tác theo phương thức quảng canh mà ta chưa có kinh nghiệm: làm trên diện tích rộng, để rồi thu hoạch thật sự trên 3/4 diện tích vì chim chuột, heo rừng tha hồ phá hoại khi sắp thu hoạch.
May mắn nhất là những người từ miền Trung vào Bà Rịa rồi lần hồi theo đường bộ đến Hóc Môn, Bà Điểm, Phú Nhuận, Gò Vấp. Họ tiếp tục dùng kinh nghiệm cũ để trồng hoa màu như bắp, đậu, thuốc lá, mía, bông vải như ở miền Trung, sớm lập đình miếu, làng xóm định hình. Nhưng đa số người đến sau lại dùng thuyền, từ miền Nam Trung bộ vào ngay các cửa của sông Cửu Long, tìm đất phù sa, bày ra kỹ thuật làm thủy lợi nhỏ trong vườn để trồng cây ăn trái, làm ruộng.
Dầu muốn hay không, việc khẩn hoang đã tuân theo qui luật kinh tế thị trường từ buổi đầu. Thuốc lá, vải bô, đường mía từ Sài Gòn đem xuống phía đồng bằng, phía đồng bằng đưa lên trái cây, nhiều nhất là lúa gạo. Ngoài cá biển có thể đánh bắt theo kỹ thuật ở miền Trung, sông Cửu Long và các nhánh nhóc rất dồi dào tôm cá, do thiên nhiên ban bố. Sông Cửu Long không có bờ đê, lại có cơn lũ lụt hằng năm.
Thời xưa, làng xã thành hình ở nơi tương đối cao ráo, gần bờ sông (đất cao) hoặc tương đối gần biển nên dễ “sống chung với lũ”. Kỹ thuật đánh bắt cá sông, cá trên đồng là việc mới mẻ, cần sáng tạo: lờ, lọp, câu giăng, đáy, chất chà, đào đìa cho cá vào, lưới bén, câu rê...
Nam bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng nào phải là “địa đàng”. Người Khmer bản địa sống co cụm trên những giồng cao ráo, làm ruộng thâm canh, không thích triển khai diện tích vào nơi đầm lầy đầy rắn, cọp và bệnh sốt rét. Người Hoa vẫn giữ tập quán thâm canh, ở đất cao, làm rẫy rau cải, khoai lang, không xông xáo “phá sơn lâm, đâm Hà bá” như dân Việt.
Dân ta đã định cư ở nơi đất thấp, nước phèn, đốn củi, phá rừng. Ở rạch Thị Nghè, ăn vào phía Bà Chiểu (Cầu Bông ngày nay) dân miền Trung vào, sống với nghề chài lưới: bán cá để mua gạo, mua trầu cau từ nơi khác sản xuất. Cảng Sài Gòn lần hồi thành hình dần dần đem lại phồn vinh cho một vùng đất trù phú và lý tưởng: vùng đất Nam bộ, vùng đất Sài Gòn - Gia Định ngày nay. Công ơn của tổ tiên thật là to lớn.