Theo văn bản dự thảo mà Reuters xem được, quốc hội Trung Quốc trao quyền cho chính mình thiết lập khung pháp lý và cơ chế thực thi luật pháp để ngăn chặn và trừng phạt các hành vi lật đổ, khủng bố, ly khai và can thiệp từ bên ngoài, "hay bất cứ hành vi nào gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia một cách nghiêm trọng".
Ông Vương Thần, phó ủy viên trưởng thứ nhất Ủy ban Thường vụ Nhân Đại (tức quốc hội Trung Quốc), dự kiến phát biểu giải thích về dự thảo nghị quyết này trong ngày 22/5.
Nhân viên an ninh tại Đại lễ đường Nhân dân, nơi kỳ họp thường niên của quốc hội Trung Quốc khai mạc sáng 22/5. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, South China Morning Post cho biết một dự thảo nghị quyết sắp được đệ trình cho phép Nhân Đại xây dựng một luật an ninh mới được thiết kế riêng cho Hong Kong, một trong hai đặc khu hành chính của Trung Quốc được hưởng các quyền tự do, tự trị nhất định.
Trung Quốc đã bước vào "Lưỡng Hội" thường niên, bao gồm kỳ họp Nhân Đại và kỳ họp Chính Hiệp (tương đương mặt trận tổ quốc), từ ngày 22/5. Sự kiện năm nay bị trì hoãn 3 tháng vì đại dịch virus corona, và sẽ rút ngắn còn 7 ngày thay vì 2 tuần như thông thường.
Một số nguồn tin cho biết dự thảo nghị quyết sẽ được đệ trình tại kỳ họp Nhân Đại vào trưa 22/5. Quốc hội Trung Quốc sẽ bỏ phiếu cho nghị quyết này vào cuối kỳ họp, có khả năng là ngày 28/5.
Điều 23 Luật Cơ bản của Hong Kong yêu cầu chính quyền đặc khu này ban hành luật an ninh riêng. Tuy nhiên, một nguồn tin tại Trung Quốc đại lục cho biết Bắc Kinh đã đi đến kết luận Hội đồng Lập pháp Hong Kong không thể thông qua luật an ninh trong điều kiện chính trị hiện nay và Nhân Đại sẽ nhận trách nhiệm này.
Cũng theo nguồn tin này, nghị quyết sau khi được phê duyệt sẽ được chuyển cho Ủy ban Thường vụ Nhân Đại xây dựng cụ thể thành luật.
23 năm trôi qua kể từ khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, đặc khu này vẫn chưa có luật an ninh riêng.
Thông tin xuất hiện giữa lúc tình hình tại Hong Kong tăng nhiệt trở lại với các cuộc biểu tình trước cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hong Kong dự kiến diễn ra vào tháng 9. Các đảng đối lập xem đây là cơ hội quyết định để chiếm thế đa số, cho phép ngăn chặn những dự luật mà chính quyền đặc khu chịu sự ảnh hưởng của Bắc Kinh trong việc ban hành.
Hôm 22/5, các nhà hoạt động ở Hong Kong đã lên mạng kêu gọi biểu tình phản đối kế hoạch của Trung Quốc trong việc áp đặt luật an ninh tại thành phố. Nhiều người lo sợ việc này sẽ làm tổn hại các quyền tự do cũng như vị thế quốc tế của thành phố được xem là một trong những trung tâm tài chính quan trọng trên toàn cầu.
Nỗ lực tương tự của Bắc Kinh hồi năm 2003 từng dẫn đến làn sóng biểu tình tại Hong Kong với khoảng nửa triệu người tham gia, và cuối cùng Bắc Kinh phải từ bỏ ý định.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, trong báo cáo đọc trước quốc hội hôm 22/5, nói Trung Quốc sẽ thiết lập một hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi "đúng đắn" để đảm bảo an ninh tại Hong Kong và Macau, đặc khu hành chính còn lại.