Trước 2020, kỳ họp thường niên của quốc hội Trung Quốc lần này được kỳ vọng sẽ là một biểu trưng chiến thắng của ông Tập Cận Bình, đánh dấu nửa chặng đường nhiệm kỳ thứ hai để ông tiến đến nhiệm kỳ thứ ba vào 2023, theo Financial Times.
Thay vào đó, vào ngày 22/5, ông lên sân khấu trung tâm tại Đại lễ đường Nhân dân giữa lúc toàn cầu đang chống đỡ với đại dịch bùng phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng phải đối mặt với những thách thức kinh tế và tài chính đáng sợ nhất kể từ khi cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình bắt đầu lèo lái đất nước sau Cách mạng Văn hóa năm 1979.
Trên hết, ông Tập cũng phải xử lý tranh cãi quốc tế đang gia tăng về cách Bắc Kinh ứng phó với dịch bệnh trong giai đoạn đầu, theo Financial Times.
Ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trong phiên khai mạc kỳ họp Nhân Đại hôm 22/5 tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Cú sốc tái cơ cấu chuỗi cung ứng
Năm nay, kỳ họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc - gọi tắt là Nhân Đại, tức quốc hội Trung Quốc - phải trì hoãn gần 3 tháng vì đại dịch.
Thay vì kéo dài 2 tuần và thu hút hàng nghìn phóng viên như thường lệ, kỳ họp năm nay sẽ diễn ra chỉ trong 7 ngày, phần lớn trong số hàng trăm tổ chức truyền thông thường có mặt để đưa tin sẽ không được tham dự.
Cùng lúc, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Toàn quốc - gọi tắt là Chính Hiệp, tức mặt trận tổ quốc - cũng sẽ tổ chức kỳ họp thường niên. Hai kỳ họp này được gọi chung là "Lưỡng Hội".
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt mục tiêu vào năm 2010 rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng gấp đôi quy mô vào cuối năm nay và cũng yêu cầu năm 2020 là hạn chót để chính thức xóa bỏ tình trạng "nghèo tuyệt đối" trên toàn quốc.
Thế nhưng, giấc mơ tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế tan biến sau khi GDP giảm gần 7% trong quý đầu tiên - lần đầu tiên GDP của Trung Quốc giảm tính theo năm kể từ năm 1976, theo số liệu chính thức
Minxin Pei, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Claremont McKenna ở California, cho biết vẫn chưa rõ liệu kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi sau cú sốc này hay không, đặc biệt là sau việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu sắp sửa diễn ra và một sự leo thang khác trong căng thẳng Mỹ - Trung.
"Những vấn đề này sẽ có tác động thực sự đến sinh kế của người dân Trung Quốc", giáo sư Pei nói.
Khi áp lực chính trị và kinh tế quốc tế tăng lên, một trong những ánh sáng cuối đường hầm với ông là quan điểm phổ biến ở Trung Quốc rằng ông ít nhất đã giữ vững con tàu.
Ông Tập đến thăm Vũ Hán hôm 10/3, lần đầu từ khi dịch bệnh xảy ra. Ảnh: AP. |
Sau khi gần như không xuất hiện trước công chúng vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, ông xuất hiện trên chiến tuyến chống virus corona vào ngày 10/2. Kế hoạch ngăn chặn virus trong dài hạn của Trung Quốc cũng được đánh giá hiệu quả nhất trong số các quốc gia đông dân bậc nhất thế giới.
Sự ủng hộ dành cho ông Tập còn được tiếp sức bởi sự hỗn loạn trong ứng phó với dịch bệnh ở một số nước phương Tây. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tích cực thúc đẩy một giả thuyết chưa được chứng minh rằng virus có thể đã bị rò rỉ một cách vô tình từ một phòng thí nghiệm của chính phủ ở Vũ Hán, và điều này thổi bùng tình cảm dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc, Financial Times nhận định.
Ngay cả sự phẫn nộ của công chúng về các ứng phó dịch trong giai đoạn đầu cũng chủ yếu nhằm vào các quan chức địa phương.
"Lúc đầu, mọi người tức giận vì cách họ xử lý dịch bệnh", Deng Yuwen, cựu biên tập viên của Học tập Thời báo rất có ảnh hưởng của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, nói.
"Sau đó, virus lan khắp thế giới và số người chết ở nơi khác cao hơn nhiều. Mọi người thay đổi suy nghĩ một phần vì những gì ông Tập đã làm đúng, nhưng nhiều hơn là vì thất bại của các quốc gia khác".
Jessica Chen Weiss, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Cornell, đồng ý rằng "virus corona có vẻ đã củng cố quyền lực của ông Tập, bất chấp cú sốc mà dịch bệnh ban đầu mang đến cho hệ thống".
Lực lượng cảnh sát bên ngoài Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh hôm 22/5. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, ông Tập vẫn phải đối mặt với những đòi hỏi về một cuộc điều tra khả tín về sự bùng phát của dịch bệnh.
Phát biểu tại hội nghị thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 18/5, ông Tập cho biết Trung Quốc ủng hộ "việc WHO xem xét khách quan và vô tư", nhưng chỉ sau khi khủng hoảng qua đi.
Những câu hỏi phải trả lời
Việc ông Tập đã biết những gì và biết khi nào - đặc biệt là những gì liên quan đến khả năng lây từ người sang người của virus corona - là vấn đề quan trọng đối với chính phủ Trung Quốc.
"Hiện tại, họ đã có phiên bản lịch sử của riêng họ và họ sẽ bảo vệ nó trước mọi phiên bản khác", Christopher Johnson, cựu phân tích viên Trung Quốc của CIA, giờ làm tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói.
Ông Tập Cận Bình xuất hiện tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 22/5. Ảnh: Reuters. |
Theo các tài liệu mà AP có được hồi tháng trước, các quan chức y tế quốc gia đã cảnh báo trong cuộc họp nội bộ ngày 14/1 rằng Trung Quốc phải đối mặt với một "vụ việc nghiêm trọng và phức tạp về y tế công cộng", và rằng "nguy cơ lây nhiễm và lan rộng là rất cao". Song Bắc Kinh đã không đưa ra tuyên bố công khai nào cho đến ngày 20/1.
Các quan chức đã hoảng hốt trước phát hiện của Thái Lan một ngày trước đó, khi ca nhiễm virus đầu tiên được báo cáo bên ngoài Trung Quốc và nó liên quan đến một cư dân Vũ Hán đã tới Bangkok. Trong những tuần tiếp theo, các ca nhiễm liên quan đến Vũ Hán bắt đầu xuất hiện tại Hong Kong, Nhật Bản, Singapore, bang Washington và thành phố Boston của Mỹ.
Điều này cho thấy số ca nhiễm theo thống kê chính thức của Vũ Hán, vẫn duy trì ở mức hai con số trong hầu hết tháng 1, là thấp một cách vô lý.
Tuần trước, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc xác nhận cuộc họp ngày 14/1 nhưng cũng giải thích lý do cho việc 6 ngày sau mới đưa ra cảnh báo công khai, nói rằng họ đã vật lộn với sự "không chắc chắn rất lớn" về virus và "cần phải nghiên cứu sâu hơn để biết nó có khả năng lây từ người sang người không".
Vào giữa tháng 2, tạp chí Cầu Thị của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc nói ông Tập đã ban hành các hướng dẫn về việc ngăn chặn dịch bệnh trong cuộc họp ngày 7/1 của Thường vụ Bộ Chính trị.
Bài viết trên Cầu Thị được xuất bản ngay sau khoảng thời gian 3 tuần, trong đó ông Tập đã gần như không xuất hiện trên truyền thông nhà nước. Ông lần đầu tiên xuất hiện tuyến đầu của cuộc chiến chống virus vào ngày 10/2.
Hình ảnh ông Tập phát biểu trong hội nghị của WHO xuất hiện trên bảng điện tử ở đường phố Bắc Kinh hôm 19/5. Ảnh: Reuters. |
"Bản năng của các quan chức địa phương ở Trung Quốc, hay bất kỳ hệ thống tương tự nào, không phải là đứng lên tuyên bố, ngay trước kỳ nghỉ lớn nhất trong năm, rằng 'chúng ta đang đối mặt với một thảm họa ngay lúc này'", ông nói. "Điểm mấu chốt là ông Tập ban đầu không có người của mình ở Vũ Hán nên ông không biết đâu là thông tin chính xác".
Một câu hỏi khác việc liệu thống kê chính thức của Trung Quốc - hiện tại là 82.965 ca nhiễm và 4.634 ca tử vong, theo Ủy ban Y tế Quốc gia - có phải thấp hơn nhiều so với thực tế hay không.
Theo truyền hình nhà nước Trung Quốc, hơn 124.000 người đã bay từ Vũ Hán đến Bắc Kinh hoặc Thượng Hải trong khoảng thời gian từ 30/12 đến 22/1. Song đến nay, hai nơi này chỉ báo cáo tổng cộng 1.259 ca nhiễm và 16 ca tử vong, theo Đại học Johns Hopkins.
"Số ca nhiễm bên ngoài Hồ Bắc thấp là do tỷ lệ xét nghiệm thấp", một bác sĩ Trung Quốc yêu cầu không nêu tên nói. "Chúng tôi không có nhiều điểm xét nghiệm bên ngoài Hồ Bắc. Nếu chúng ta muốn tìm ra tỷ lệ lây nhiễm thực sự, chúng ta cần tiến hành xét nghiệm kháng thể quy mô lớn".
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm virus corona ở Vũ Hán. Ảnh: Reuters. |
Ngay cả bên trong Trung Quốc, một số tiếng nói đang kêu gọi điều tra chính thức bất kể rủi ro về uy tín, cho rằng việc thừa nhận sai lầm là cần thiết để chống lại chỉ trích quốc tế.
"Chúng ta nên có một sách trắng toàn diện về virus, trong đó chúng ta kể lại những gì đã xảy ra từ cuối tháng 12 đến ngày 23/1 (phong tỏa Vũ Hán), những gì chúng ta đã làm và tại sao chúng ta phạm sai lầm", Yao Yang, nhà kinh tế học nổi tiếng ở Đại học Bắc Kinh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương tháng trước.