Trận chiến nảy lửa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm lu mờ hội nghị của WHO, kéo dài trong hai ngày 18 và 19/5. Cho tới những phút cuối cùng, đại diện Mỹ và Trung Quốc vẫn tranh cãi về vấn đề Đài Loan.
"Chúng tôi cùng vô số những quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế đã kêu gọi WHO gửi thư mời Đài Loan tới tham dự kỳ họp của Đại hội đồng", nhà ngoại giao cấp cao Mỹ Howard Solomon nói qua cầu truyền hình trong bài phát biểu kết thúc hội nghị.
Ông Chen Xu, Đại sứ Trung Quốc tại Văn phòng Liên Hợp Quốc ở Geneva, ngay lập tức phản bác, cho rằng bình luận của ông Solomon là không thể chấp nhận được.
"Hội nghị trực tuyến này đã nhất trí không đề cập đến vấn đề Đài Loan để đảm bảo cuộc họp diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, ngay bây giờ, đại biểu Mỹ vẫn đang thổi phồng vấn đề chính trị", Đại sứ Chen nói.
Do bị Trung Quốc phản đối, Đài Loan đã không được mời tham dự hội nghị với tư cách quan sát viên. Đài Loan sau đó đã từ bỏ nỗ lực tham dự cuộc họp lần này, trong khi Mỹ lên án WHO bị Bắc Kinh chi phối.
Vấn đề Đài Loan nằm trong số những bất đồng giữa Mỹ với Trung Quốc và cả cáo buộc từ Washington rằng Bắc Kinh chi phối WHO. Tổng thống Trump đe dọa sẽ rút tài trợ cho WHO nếu tổ chức không cải cách trong 30 ngày. Ảnh: AP. |
Đây không phải là lần "đấu khẩu" đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh kỳ họp này.
Tối 18/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng lên mạng xã hội Twitter bản sao bức thư mà ông gửi cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Trong thư, ông đe dọa sẽ rút khỏi WHO và cắt vĩnh viễn tài trợ của Mỹ nếu tổ chức này không cam kết "cải cách thực chất và đáng kể" trong vòng 30 ngày tới.
"Rõ ràng những sai lầm lặp đi lặp lại của ông và WHO trong việc đối phó với đại dịch đã khiến thế giới trả giá đắt. Cách duy nhất cho WHO là chứng minh được tổ chức không phụ thuộc vào Trung Quốc", ông Trump viết trên Twitter.
Tổng thống Mỹ đưa ra danh sách dài các vấn đề cả cũ lẫn mới gây lo ngại, liên quan đến việc xử lý khủng hoảng của WHO. Trong số đó, ông cáo buộc tổ chức này phớt lờ báo cáo về tình trạng virus lây lan ở Vũ Hán vào đầu tháng 12/2019 và không chia sẻ thông tin quan trọng từ Đài Loan với các nước trên thế giới.
Trung Quốc tỏ ra phẫn nộ, cho rằng ông Trump đang cố gắng đổ lỗi cho nước khác về chiến lược sai lầm của Mỹ trước đại dịch.
Trả lời thư của ông Trump, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 19/5 nói "lá thư của tổng thống Mỹ đầy những lời bóng gió và ẩn dụ mơ hồ".
"Đây là nỗ lực nhằm đánh lừa công chúng, nói xấu Trung Quốc về nỗ lực ngăn chặn virus corona chủng mới và đổ lỗi cho người khác. Điều này là vô ích", ông Triệu nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters. |
WHO tiến thoái lưỡng nan
Tại kỳ họp hôm 19/5, Đại hội đồng WHO đã thông qua nghị quyết điều tra độc lập dịch Covid-19.
Tất cả 194 nước thành viên của WHO đều tán thành nghị quyết. Tổng giám đốc Tedros đã cam kết sẽ xem xét lại một cách toàn diện "vào thời điểm thích hợp và sớm nhất có thể".
Tuy nhiên, các màn "đấu khẩu" cho thấy hợp tác giữa các nước thành viên WHO vẫn còn nhiều trở ngại.
"Tổ chức này đã thất bại trong việc thu thập thông tin mà thế giới cần. Và sự thất bại đó đã khiến nhiều người phải trả giá", Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar phát biểu trước hội nghị của WHO hôm 18/5.
WHO cần phải "dọn dẹp lại" cách cư xử của mình, ông Trump cảnh báo lại hôm 19/5.
Mỹ là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho WHO, cung cấp khoảng 16% kinh phí cho tổ chức này. Không có sự ủng hộ của Mỹ, hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển có thể sẽ bị cắt giảm. Mỹ cũng đóng góp nguồn nhân lực, bao gồm gửi nhân viên từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đến trụ sở của WHO ở Geneva.
Do cả Mỹ và Trung Quốc đều có vai trò quan trọng trong việc phát triển vaccine và điều trị Covid-19, WHO đang phải đi giữa lằn ranh để tránh khiêu khích một trong hai phía.
Căng thẳng giữa hai cường quốc
Lá thư của Tổng thống Trump được gửi đi trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang leo thang căng thẳng về một loạt vấn đề.
Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã tăng cường siết chặt hoạt động tại Mỹ của "người khổng lồ" công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies. Đáp trả, Trung Quốc đe dọa sẽ công bố "danh sách các công ty không đáng tin cậy", hạn chế hoạt động hoặc điều tra các công ty của Mỹ như Qualcomm, Cisco và Apple, cũng như đình chỉ mua máy bay Boeing.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang nỗ lực điều chế vaccine cho Covid-19. Ảnh: Getty. |
Xuất hiện trong hội nghị trực tuyến của WHO hôm 18/5, Chủ tịch Tập Cận Bình tỏ rõ việc Trung Quốc xem họ là nhà lãnh đạo toàn cầu và kêu gọi hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống virus corona chủng mới. Ông cam kết tài trợ 2 tỷ USD cho mục tiêu này và khi Trung Quốc điều chế thành công vắc-xin cho Covid-19, nước này sẽ chia sẻ nó với toàn thế giới.
Trước những lời chỉ trích về phản ứng ban đầu của Trung Quốc, Chủ tịch Tập cho rằng tất cả các nước đều dễ bị tổn thương. "Virus không kiêng dè biên giới giữa các quốc gia. Khi đối mặt với đại dịch, chủng tộc hay quốc tịch không phải là vấn đề", ông Tập nói.
"Chúng tôi đã cung cấp thông tin cho WHO và các nước liên quan một cách kịp thời nhất. Chúng tôi đã công bố trình tự bộ gen trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi đã không do dự chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát và điều trị với thế giới. Chúng tôi đã làm mọi việc trong khả năng của mình để hỗ trợ các quốc gia có nhu cầu", ông Tập phát biểu.