Theo Bloomberg, các cơ quan quản lý tại Bắc Kinh đã ban hành một loạt hướng dẫn cho China Evergrande Group, yêu cầu tập đoàn thực hiện tất cả biện pháp có thể để tránh vỡ nợ trái phiếu USD, tập trung vào việc hoàn thành các dự án nhà ở và trả nợ cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Theo nguồn tin của Bloomberg, trong một cuộc họp gần đây, các quan chức cho biết China Evergrande cần chủ động thảo luận với trái chủ để tránh tình trạng vỡ nợ. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh không đưa ra hướng dẫn nào cụ thể hơn.
Không có dấu hiệu nào cho thấy các cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ hỗ trợ China Evergrande về mặt tài chính để thanh toán trái phiếu. Nguồn tin cho biết Bắc Kinh cũng đang cố gắng tìm hiểu về những trái chủ của China Evergrande.
Các nhà đầu tư cá nhân, khách mua nhà và nhà cung cấp của China Evergrande biểu tình tại văn phòng của tập đoàn trên toàn quốc. Ảnh: Reuters. |
Thúc giục giải quyết
Hai trái chủ USD của China Evergrande tiết lộ khoản lãi trái phiếu coupon của họ đến hạn vào hôm 23/9. Nhưng đến giờ, cả hai vẫn chưa được thanh toán. Tập đoàn bất động sản phải thanh toán 83,5 triệu USD lãi trái phiếu coupon đến hạn hôm 23/9. Thời gian ân hạn là 30 ngày sau ngày đáo hạn.
Sự im lặng, thiếu hành động mạnh mẽ của giới chức Trung Quốc khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế hoang mang. Hôm 23/9, Dow Jones đưa tin Bắc Kinh đã yêu cầu các chính quyền địa phương và doanh nghiệp quốc doanh chỉ vào cuộc nếu China Evergrande không thể sắp xếp ổn thỏa.
Mối đe dọa từ "hố nợ" 305 tỷ USD của China Evergrande khiến lợi suất trái phiếu của các công ty bất động sản khác của Trung Quốc tăng mạnh. Sức khỏe của những ngân hàng nhỏ tại đất nước 1,4 tỷ dân cũng là vấn đề gây lo ngại.
Trong nhiều ngày qua, các nhà đầu tư cá nhân, khách mua nhà và nhà cung cấp của China Evergrande liên tục tập trung biểu tình tại văn phòng của tập đoàn trên toàn quốc.
1,5 triệu khách mua nhà đã trả tiền cho Evergrande vẫn chưa được giao nhà. Ảnh: Reuters. |
Thị trường tài chính toàn cầu cũng biến động mạnh. Giới quan sát lo ngại đây là "khoảnh khắc Lehman Brothers" của Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến các thị trường tài chính khác trên thế giới. Vụ đổ vỡ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) do khủng hoảng nợ dưới chuẩn đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng của China Evergrande là chiến dịch hạ đòn bẩy và ngăn chặn rủi ro đạo đức trong lĩnh vực bất động sản của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cũng khó chấp nhận một vụ vỡ nợ. Bởi nó sẽ đe dọa sự ổn định kinh tế và xã hội.
Những ngày qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm một lượng tiền lớn vào hệ thống tài chính. Động thái trên cho thấy các nhà chức trách đang tìm cách trấn an công chúng.
Theo chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại Anh), tác động từ cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande sẽ phụ thuộc vào việc tập đoàn có được giải cứu hay không, và được giải cứu như thế nào.
Hành động vào phút chót
"Việc cho phép một công ty có quy mô lớn với khoản nợ khổng lồ như vậy sụp đổ chắc chắn sẽ tạo ra những hiệu ứng gợn sóng", ông Erlam bình luận với Zing.
"Trung Quốc đã gửi đi thông điệp rằng không một công ty nào quá lớn để thất bại. Nhưng với những tác động nghiêm trọng từ vụ sụp đổ, tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ vẫn vào cuộc để giải cứu China Evergrande", ông nói thêm.
Giá trái phiếu và cổ phiếu của China Evergrande bật tăng hôm 23/9, sau khi Bắc Kinh đưa ra các hướng dẫn cho tập đoàn. Hôm 22/9, China Evergrande cho biết khoản lãi phải trả của một trong những trái phiếu NDT của họ đã "được giải quyết thông qua đàm phán".
Theo giới phân tích, tập đoàn bất động sản Trung Quốc có khả năng đã ký thỏa thuận với các trái chủ địa phương. Theo đó, họ có thể hoãn thanh toán mà vẫn tránh được một vụ vỡ nợ.
Trung Quốc đã gửi đi thông điệp rằng không một công ty nào quá lớn để thất bại. Nhưng với những tác động nghiêm trọng từ vụ sụp đổ, tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ vẫn vào cuộc để giải cứu China Evergrande
Chuyên gia tài chính Craig Erlam
Bán nhà ở là nguồn tiền mặt chính của China Evergrande. Tuy nhiên, tập đoàn đã gặp khó trong những tháng gần đây, khi niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc sụt giảm.
Người mua nhà Trung Quốc thường phải trả một khoản tiền lớn cho các tập đoàn bất động sản và chờ nhiều năm để được giao nhà. 1,5 triệu khách mua nhà của China Evergrande vẫn đang mòn mỏi chờ những căn hộ chưa hoàn thiện.
Tập đoàn cũng đang tìm cách bán bớt tài sản để huy động tiền mặt. Tuy nhiên, đầu tháng này, China Evergrande thừa nhận rằng kế hoạch bán cổ phần trong đơn vị xe điện và dịch vụ bất động sản "không có nhiều tiến triển".
China Evergrande đã thuê Houlihan Lokey và Admiralty Harbour Capital để “tìm kiếm tất cả giải pháp khả thi” nhằm giảm bớt các vấn đề về thanh khoản.
Không trái phiếu nào của China Evergrande đáo hạn năm 2022. Tuy nhiên, gã khổng lồ địa ốc Trung Quốc phải đối mặt với khoản thanh toán trái phiếu coupon 669 triệu USD trong năm nay.
Khoản nợ 305 tỷ USD của tập đoàn chủ yếu thuộc về các ngân hàng, tổ chức tài chính, khách hàng, trái chủ, nhà cung cấp và nhà thầu.