Hải đăng phi pháp của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters |
China News dẫn nguồn giới chức của cái gọi là "thành phố Tam Sa" cho biết công trình xây ngọn hải đăng trên đảo Duy Mộng và đá Hải Sâm đã hoàn thành. Chúng nằm trên nhóm đảo Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hai ngọn hải đăng do Trung tâm Bảo hộ Hàng hải Hải Nam xây dựng. Trung Quốc bao biện rằng công trình nhằm mục đích "chỉ thị hàng hải hoặc cảnh báo những khu vực nguy hiểm cho các tàu cá đi lại trong khu vực".
Theo China News, trước đó, các nhân viên kỹ thuật đã tiến hành đo đạc, nghiên cứu sức gió, điều kiện đổ bộ và quyết định chọn hai đảo, đá này để xây dựng ngọn hải đăng.
Hôm 9/10, Tân Hoa xã cũng đưa tin Bộ Giao thông Trung Quốc đã tổ chức buổi lễ kết thúc việc xây dựng ngọn hải đăng tại bãi đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là quần đảo Nam Sa).
Ngày 20/10, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, ngang ngược tuyên bố công trình hải đăng do nước này xây dựng trái phép trên đá Châu Viên và Gạc Ma nằm trong khu vực thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh không quan tâm tới những ý kiến cho rằng Trung Quốc đang cố gắng củng cố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà ngoại giao cho rằng các ngọn hải đăng có thể giúp Trung Quốc xây dựng một bức tranh pháp lý dài hạn về "sự chiếm giữ hiệu quả", bất chấp sự phản đối các các quốc gia khác.
Phản ứng trước việc Trung Quốc liên tục xây dựng trái phép các công trình tại quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bác bỏ cái gọi là "Tam Sa" mà Trung Quốc dựng lên.
"Mọi hành động của cái gọi là thành phố Tam Sa đều không có giá trị pháp lý cũng như không thể thay đổi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa", ông Bình nói.
Trả lời Zing.vn sau khi Trung Quốc tuyên bố hoàn thành 2 hải đăng trên đá Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa, ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhận định: "Các ngọn hải đăng của Trung Quốc có thể giúp đảm bảo giao thương đường biển, tránh va chạm giữa các tàu. Tuy nhiên, đằng sau đó là một âm mưu được tính toán kỹ lưỡng. Nó chính là cái bẫy pháp lý mà Trung Quốc đặt ra để giành sự công nhận của quốc tế với yêu sách chủ quyền".