Trung Quốc là đất nước có nền văn hóa lâu đời, là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại. Trong đó, di sản quan trọng và nổi bật nhất chính là kho tàng sách đồ sộ. Sách lưu trữ suy nghĩ và hành động của con người qua từng thời kỳ, đồng thời tiết lộ sự phát triển và tinh thần của nền văn hóa đất nước.
Hiện tại, chính phủ Trung Quốc đã có hàng loạt dự án tạo dựng các tủ sách độc lập do Thư viện Quốc gia nước này thực hiện nhằm giữ gìn các giá trị truyền thống và tôn vinh tinh hoa dân tộc.
Nhiều tủ sách hiếm, sách kinh điển
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, di sản sách cổ, quý hiếm của Trung Quốc dần bị hư hại, biến mất. Chính vì lẽ đó, năm 2007, Thư viện Quốc gia Trung Quốc đã xây dựng dự án "Bảo tồn sách cổ Trung Quốc" nhằm lưu giữ có hệ thống các văn bản, tác phẩm cổ một cách đầy đủ nhất. Đây được xem là dự án đầu tiên của chính phủ nước này nhằm bảo tồn sách cổ quốc gia.
Nắm vai trò chủ đạo trong việc tạo dựng tủ sách là các chuyên gia về khảo cổ và các chuyên gia ấn bản. Đội ngũ này sẽ nghiên cứu, thẩm định và tái hiện chi tiết hình ảnh những cuốn sách cổ quý hiếm, đồng thời hỗ trợ việc so sánh các phiên bản và chỉ ra nguồn gốc, sự phát triển của sách cổ.
Cho đến nay, sau gần 14 năm triển khai, tủ sách này đã có hơn 1.300 ấn bản được chia thành nhiều bộ sưu tập riêng biệt như "Sách cổ thời chiến quốc", "Sách cổ thời nhà Minh", "Sách cổ đời nhà Thanh" và "Sách cổ bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số"...
Thư viện Quốc gia Trung Quốc là nơi đi đầu trong việc xây dựng các tủ sách lớn của quốc gia. Ảnh: Sina. |
Bên cạnh đó, tủ sách "Nghiên cứu kinh điển" cũng được xây dựng ở Trung Quốc với mục tiêu thu thập các tác phẩm trong lịch sử trải dài của đất nước này.
Theo thông tin từ Thư viện Quốc gia Trung Quốc, dự án “Nghiên cứu kinh điển” được lấy ý tưởng dựa trên “Tứ Khố Toàn Thư”, công trình sưu tập sách lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc được thực hiện dưới thời vua Càn Long.
Sau 10 năm xây dựng và triển khai, đến nay, tủ sách “Nghiên cứu kinh điển” đã có gần 4.000 đầu sách thuộc các lĩnh vực như triết học, lịch sử, văn học, nghệ thuật... Trong đó, nổi bật phải kể đến Tứ Thư, Ngũ Kinh, Hiếu Kinh, Binh pháp Tôn Tử, Từ điển Khang Hy...
Ông Xiong Yuanming, Giám đốc Thư viện Quốc gia Trung Quốc, cho biết: “Đây là tủ sách lớn về các tác phẩm cổ điển Trung Quốc được biên soạn một cách có hệ thống. Những tác phẩm kinh điển này đại diện cho một di sản văn hóa lớn của Trung Quốc và tinh hoa của nền văn minh Trung Hoa 5.000 năm”.
Những tủ sách đương đại
Bên cạnh ưu tiên đầu tư lưu trữ, bảo tồn các đầu sách hiếm, xây dựng tủ sách kinh điển từ xưa đến nay, Chính phủ Trung Quốc cũng chú trọng triển khai tủ sách văn học đương đại, nhằm khẳng định vị thế văn hóa của quốc gia.
Tủ sách “Đọc Trung Quốc: Văn chương đương đại” do Thư viện Quốc gia nước này chịu trách nhiệm xây dựng nhằm lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu của Trung Quốc từ khi thành lập năm 1949 đến nay.
Hiện, tủ sách “Đọc Trung Quốc: Văn chương đương đại” đã có gần 500 đầu sách văn học nổi bật, chẳng hạn các tác phẩm được trao giải thưởng Mao Thuẫn, giải thưởng Văn học Lỗ Tấn... của những tên tuổi như Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Vương Mông, Vương An Ức, Tất Phi Vũ...
Các tủ sách sẽ được lưu trữ vào hệ thống quốc gia và giới thiệu rộng rãi đến người dân. Ảnh: Sina. |
Ông Rao Quan, nguyên Giám đốc Thư viện Quốc gia Trung Quốc, người từng đặt nền tảng để tạo nên tủ sách, nói: “Những tác phẩm này có tác động sâu sắc đến xã hội trong các thời kỳ khác nhau của Trung Quốc. Nó phản ánh dấu vết phát triển của văn học đương đại và mạch phát triển của thế giới văn học Trung Quốc trong thời hiện đại”.
Mặt khác, để tạo nên một hệ thống sách có tính logic, chi tiết, Thư viện Quốc gia Trung Quốc cũng đầu tư phát triển tủ sách minh họa với khoảng 4.000 tác phẩm sách có minh họa truyền thống của Trung Quốc.
Nổi bật nhất của tủ sách này phải kể đến bộ sưu tập 4 kiệt tác cổ điển Trung Quốc - Tứ đại kỳ thư bao gồm: Tam quốc diễn nghĩa (La Quán Trung), Thủy hử (Thi Nại Am), Tây du ký (Ngô Thừa Ân), Hồng lâu mộng (Tào Tuyết Cần). Bộ sưu tập 4 tác phẩm này có tranh minh họa theo từng thời kỳ lịch sử, là tư liệu quý cho nhiều nhà nghiên cứu.
Ngoài Thư viện Quốc gia Trung Quốc, các trường đại học và nhà xuất bản trên khắp đất nước tỷ dân cũng có những tủ sách riêng, do các giáo sư cùng nhiều nhà nghiên cứu xây dựng.
Điển hình có thể kể đến như tủ sách “Kinh tế & Xã hội Trung Quốc” do NXB Khoa học Xã hội triển khai nhằm hệ thống các đầu sách về sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc trong 40 năm cải cách và mở cửa với 6 chủ đề nghiên cứu lớn.
Chưa kể, trong quá trình thực hiện, nhiều tủ sách về nghệ thuật truyền thống Trung Quốc, Đạo giáo, Phật giáo... cũng được chính phủ Trung Quốc đầu tư xây dựng nhằm tạo dựng hệ thống kho nghiên cứu đồ sộ.