Ảnh vệ tinh chụp ngày 3/9 về hoạt động của Trung Quốc trên Đá Subi. Ảnh: CSIS/AMTI |
Trong chuyến thăm chính thức Mỹ hồi tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết “Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa” các đảo ở Biển Đông.
Phát ngôn của ông Tập khiến nhiều người, cả ở phía các bên có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và Mỹ, phỏng đoán về ý nghĩa thực sự sau tuyên bố của ông Tập. Họ tin rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các cơ sở quân sự mới xây trái phép ở Biển Đông là nơi chứa thiết bị quốc phòng (từ chiến đấu cơ tới tàu hải quân và thậm chí hệ thống tên lửa).
Hôm 14/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, lý lẽ rằng: “Không có việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo và rạn san hô ở Biển Đông. Các công trình do Bắc Kinh xây ở quần đảo Trường Sa chủ yếu để phục vụ nhu cầu dân sự”. Bà Hoa đề cập hai ngọn hải đăng mà Trung Quốc vừa hoàn thành ở đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, người phát ngôn Trung Quốc cũng thừa nhận “chắc chắn có một số cơ sở quân sự cần thiết nhằm mục đích phòng vệ”. Theo bà Hoa, chúng là một phần trong hoạt động xây dựng trên các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép ở Biển Đông.
Trước đó, Bắc Kinh từng bao biện, ngoài mục đích dân sự là chủ yếu, việc xây các công trình ở Biển Đông đề “bảo vệ tốt hơn quyền lãnh thổ, hàng hải và lợi ích” của Trung Quốc.
Lý lẽ quanh co
Trong cuộc họp báo, một phóng viên yêu cầu bà Hoa giải thích rõ tuyên bố: "Trung Quốc sẽ có các cơ sở quân sự trên quần đảo Trường Sa", nhưng lại khẳng định "không quân sự hóa các đảo". Người phát ngôn Trung Quốc trả lời với giọng cáu kỉnh: “Tôi tự hỏi bạn hiểu ra sao về từ ‘quân sự hóa’”.
Theo lập luận của bà Hoa, việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở phòng thủ không có nghĩa là “quân sự hóa”. Tuy nhiên, ranh giới giữa khả năng phòng thủ và tấn công là “không rõ ràng”, theo Diplomat.
Các nước láng giềng tin việc Trung Quốc triển khai các thiết bị radar ở Biển Đông là bước tiến của Bắc Kinh nhằm quân sự hóa vùng biển. Bởi từ mưu đồ này, Trung Quốc có thể đơn phương áp đặt Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) trên một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn khăng khăng rằng radar “chỉ là thiết bị phòng thủ” và phủ nhận những tuyên bố cho rằng nước này đang đi ngược lại lời hứa “không quân sự hóa các đảo” mà chủ tịch Tập từng tuyên bố.
Một điều quan trọng hơn là lời nói của bà Hoa cho thấy cách Trung Quốc "đang chơi trò hùng biện" khi đề cập tới cáo buộc quân sự hóa khu vực. Người phát ngôn Trung Quốc lý lẽ Biển Đông “đang bị quân sự hóa trước sự phô diễn sức mạnh quân sự và các cuộc tập trận thường xuyên, quy mô lớn do nước nào đó cùng đồng minh thực hiện”. Diplomat cho hay bà Hoa đang ám chỉ Mỹ và các đối tác của họ trong khu vực.
Bà này lập luận việc Trung Quốc xây cơ sở quân sự là “phản ứng cần thiết cho các động thái khiêu khích”. “Thật dễ dàng để hiểu lý do Trung Quốc triển khai một số thiết bị quân sự trên các đảo và rạn san hô”, người phát ngôn Trung Quốc nói.
Theo dự đoán của giới phân tích, việc Mỹ có kế hoạch điều tàu tới vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây ở Biển Đông sẽ là cái cớ để Bắc Kinh sử dụng các động thái khiêu khích nhằm biện minh cho hoạt động phi pháp của họ.