Tàu chiến đấu ven biển USS Fort Worth của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ |
“Chúng tôi sẽ không tham gia vào các cuộc tuần tra mà Mỹ đề xuất. Chúng tôi sẽ không nghiêng về bên nào”, Bộ trưởng Thương mại Australia, ông Andrew Robb, nói với Bloomberg khi bình luận về việc Mỹ cân nhắc điều tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở Biển Đông.
Ông Robb đưa ra phát biểu như vậy sau khi Ngoại trưởng Julie Bishop gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Ngoại trưởng John Kerry trong tuần này và nói rằng Australia “có cùng quan điểm” với Mỹ về vấn đề Biển Đông - nơi gần 3/4 hoạt động thương mại của Australia diễn ra.
Washington đang cân nhắc kế hoạch đưa tàu hải quân vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc lấn đất trên Biển Đông, sau khi có phê chuẩn chính thức từ chính quyền.
Hôm 14/10, truyền thông Trung Quốc chỉ trích Mỹ "hành động khiêu khích" ở Biển Đông, đồng thời đe dọa đáp trả bằng vũ lực, theo Reuters.
"Nếu Washington xâm phạm lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh, quân đội Trung Quốc sẽ đáp trả và dùng vũ lực tấn công”, Thời báo Hoàn Cầu - thuộc Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - viết.
Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson khẳng định trước báo giới tại Tokyo (Nhật Bản): "Không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi sẽ thực thi tự do hàng hải ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Tôi không cho đây là hành động khiêu khích”.
Trước đó, tờ Navy Times nhận định, các dự án cải tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông trở thành nguồn cơn căng thẳng và đặt ra mối đe dọa với tự do hàng hải khu vực. Kế hoạch đưa tàu và máy bay vào khu vực 12 hải lý đã được Mỹ thông báo từ tháng 5 năm nay nhưng đến giờ chưa được triển khai.
Nếu được phê chuẩn, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2012 Hải quân Mỹ chính thức thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.