Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc ve vãn Nhật, muốn xây dựng 'quan hệ an ninh mới'

Bắc Kinh đang tìm cách cải thiện mối quan hệ với Tokyo trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Washington leo thang, nhưng kiểu hợp tác vì lợi ích trước mắt này khó duy trì.

Khi chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang, Trung Quốc đang cố gắng lôi kéo các nước lớn trong khu vực châu Á để đối trọng với Washington. Bắc Kinh đã đề nghị với Tokyo, rằng hai nước nên cố gắng xây dựng mối quan hệ an ninh mới, South China Morning Post dẫn lời một nhà ngoại giao Nhật Bản cho biết hôm 27/6.

Bắt tay đối phó Mỹ

Tomoki Kamo, giáo sư chuyên về các vấn đề Trung Quốc tại Đại học Keio ở Tokyo, cho biết Bắc Kinh lần đầu đề xuất ý tưởng này khi Thủ tướng Shinzo Abe đến thăm Trung Quốc vào năm ngoái.

Chuyến thăm của Thủ tướng Abe được xem là nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ sau khi căng thẳng giữa hai nước gia tăng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông bùng phát từ năm 2011.

Phía Trung Quốc đã nêu cụm từ “mối quan hệ an ninh mới”, trước khi Thủ tướng Abe đến thăm Bắc Kinh, ông Kamo cho biết. Rõ ràng, mối quan hệ ngày càng xấu đi với Washington là yếu tố để Bắc Kinh “ve vãn” Tokyo.

Quan he ngoai giao Trung - Nhat anh 1
Bắc Kinh đang tìm cách chèo kéo Tokyo khi căng thẳng với Washington leo thang. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, dù mở lời trước, nhưng Bắc Kinh không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về mối quan hệ mới này sẽ yêu cầu những gì, điều đó khiến Tokyo trở nên bối rối. Một số nhà quan sát ngoại giao Trung Quốc cho rằng điều kiện có thể là đưa ra các biện pháp quản lý tranh chấp và ngăn chặn khủng hoảng.

Cheng Yonghua, cựu đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, năm ngoái từng nói rằng Trung Quốc và Nhật Bản phải tăng cường trao đổi quốc phòng và làm việc để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và tránh hiểu sai chiến lược.

Vấn đề xây dựng lòng tin

Trung Quốc từ lâu xem Nhật Bản là đối thủ chiến lược trong khu vực và tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn là điểm nóng tiềm năng. Bên cạnh đó, cuộc xâm lược và chiếm đóng của Đế quốc Nhật Bản đối với Trung Quốc trong Thế chiến II khiến hàng triệu người thiệt mạng cũng là một rào cản trong quan hệ giữa hai nước.

Tuy nhiên, khi quan hệ với Mỹ ngày càng trở nên tồi tệ, Trung Quốc cảm thấy bị coi thường và thúc đẩy Bắc Kinh tìm kiếm bạn bè quốc tế. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Abe đã đưa ông trở thành thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản đến Trung Quốc kể từ năm 2011.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Abe và người đồng cấp Lý Khắc Cường đã chứng kiến việc ký kết các hợp đồng trị giá 18 tỷ USD, một dấu hiệu triển vọng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Giới phân tích nhận định chuyến thăm Nhật Bản để dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tuần này có thể mang lại nhiều triển vọng trong quan hệ giữa hai nước.

Hai bên có thể sử dụng cơ hội này để thảo luận thêm về việc kiểm soát nhập khẩu thực phẩm và sự tham gia của Nhật Bản vào sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng.

Quan he ngoai giao Trung - Nhat anh 2
Tàu chiến Mỹ và Nhật Bản trong một đợt tập trận trên Biển Đông, điều mà Trung Quốc luôn không hài lòng. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Kể từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ vào năm 2017 đã gây ra sự không chắc chắn ở Tokyo và Bắc Kinh về mối quan hệ của họ với Washington. Đối với Trung Quốc họ hy vọng sẽ bắt tay được với Nhật Bản để hợp tác cùng nhau thay vì đối đầu.

Về phần mình, Tokyo lo ngại Nhật Bản sẽ là mục tiêu tiếp theo trong các biện pháp bảo hộ của Tổng thống Trump, khi ông đe dọa tăng thuế với ô tô Nhật Bản và muốn Tokyo mở cửa thị trường thực phẩm.

Masatoshi Murakami, cựu nhà ngoại giao Nhật Bản, nhận xét Trung Quốc và Nhật Bản cần hợp tác với nhau ngay bây giờ trên mặt trận kinh tế, nhưng kiểu hợp tác này khó bền vững. Ông Murakami cho biết Nhật Bản vẫn lo ngại về tham vọng của Trung Quốc.

Tokyo rất quan tâm đến các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã bồi lấp phi pháp và biến các đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự trên khu vực đang tranh chấp với các nước Đông Nam Á.

Ông Murakami cho biết rất quan ngại về hành vi của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán, trong đó sự thay đổi đột ngột là khá phổ biến, điều đó cản trở nỗ lực xây dựng lòng tin: “Trung Quốc có thể bất ngờ hủy bỏ một thỏa thuận nào đó đã ký vào buổi sáng, khiến chúng tôi trở thành những nhà ngoại giao thua cuộc”, ông nói.

Akio Takahara, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Tokyo, cho biết những nỗ lực ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm xây dựng sức mạnh quân sự sẽ khiến mọi mối quan hệ an ninh với Nhật Bản trở nên mong manh.

Chiến thuật của Trung Quốc là áp đảo đối thủ và giành chiến thắng mà không cần đối đầu thực sự. Tuy nhiên, điều đó sẽ không hiệu quả, vì nó làm xói mòn nền tảng của các mối quan hệ song phương.

Nhật, Mỹ và Australia khởi động 'Vành đai, Con đường' mới

Ba cường quốc kinh tế lên kế hoạch rót hơn 1 tỷ USD vào dự án khí hóa lỏng tại Papua New Guinea, cạnh tranh với các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương.

Mỹ - Trung đồng ý đình chiến thương mại trước thượng đỉnh G20

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng ý không có thêm các bước leo thang thương chiến trước hội nghị thượng đỉnh G20, các lệnh áp thuế mới sẽ được trì hoãn.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm