Mỹ, Nhật Bản và Australia đã chọn một dự án khí hóa lỏng (LNG) tại Papua New Guinea làm thí điểm cho hợp tác đầu tư tài chính tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tổng số vốn rót vào dự án này có thể lên đến hơn 1 tỷ USD, theo Nikkei Asian Review.
Ba tổ chức cho vay của các nước là Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Tập đoàn Đầu tư Tư nhân Hải ngoại Mỹ (USOPIC) cùng Tập đoàn Xuất khẩu Tài chính và Bảo hiểm Australia (EFIC).
Tháng 11/2018, ba nước này nhất trí hợp tác đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đề xuất một hình mẫu thay thế Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Dự án LNG tại Papua New Guinea là lần đầu tiên các nước thực hiện mô hình hợp tác đầu tư ba bên.
Một tàu chở khí đốt hóa lỏng cập cảng bên ngoài thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea vào tháng 11/2018. Ảnh: Reuters. |
Một đội ngũ chuyên gia ba nước Nhật Bản, Mỹ và Australia đến thủ đô Port Moresby thảo luận về dự án vào tháng 4. Dự kiến các kế hoạch sẽ hoàn tất trong 2-3 năm. Các dự án đầu tư hỗ trợ nhà máy điện và viễn thông liên lạc có thể nối bước sau dự án LNG.
Papua New Guinea đã chọn tập đoàn Huawei của Trung Quốc làm đối tác phát triển cơ sở hạ tầng Internet quốc gia.
Tuy nhiên, Australia lo thông tin tình báo quân sự có thể bị rò rỉ qua mạng lưới này. Canberra đang trợ giúp Papua New Guinea xây dựng một căn cứ hải quân tại đảo quốc. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, khi tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC hồi tháng 11/2018, đã tuyên bố sẽ giúp đỡ đồng minh xây dựng căn cứ.
Trung Quốc đã tăng cường hiện diện mạnh mẽ tại Nam Thái Bình Dương. Nước này đang hỗ trợ Vanuatu xây dựng một cảng biển. Bắc Kinh và Canberra cũng cạnh tranh một dự án hợp tác quốc phòng cùng Fiji.
Ngoài Papua New Guinea, nhiều đảo quốc khác trong khu vực như Solomon và Palau cũng được bộ ba Nhật - Mỹ - Australia xem là ứng viên tiềm năng nhận đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhóm này còn dự tính cử một phái đoàn thẩm định các dự án tiềm năng tại Đông Nam Á.