Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rào cản khiến cuộc gặp Trump - Tập ở G20 khó đạt đột phá

Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đồng ý nối lại đối thoại nhưng giới quan sát hoài nghi khả năng đạt thỏa thuận, chỉ dự đoán hai bên sẽ "đình chiến", tạm ngừng tăng thuế.

Lời hứa nối lại đàm phán được đưa ra sau cuộc điện đàm ngày 24/6 giữa Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, theo South China Morning Post.

Trước đó một tuần, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka và tái khởi động các đàm phán đã bế tắc từ tháng 5. Cuộc gặp theo lịch sẽ diễn ra vào ngày 29/6 ở Osaka.

Ngày 26/6, tại một hội nghị ở Bahrain, ông Mnuchin nói với CNBC "chúng tôi đã đạt được 90% và tôi nghĩ sẽ có cách để hoàn thành" khi bình luận về khả năng đi đến thỏa thuận sau cuộc gặp giữa hai lãnh đạo. Nhưng ông không cung cấp thêm chi tiết về 10% cần phải giải quyết là những vấn đề gì.

dam phan My - Trung anh 1
Cam kết nối lại đàm phán được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 24/6. Ảnh: AP.

Kết quả tốt nhất: tạm ngừng tăng thuế

Các nhà quan sát cho rằng tình huống lạc quan nhất sẽ là thỏa thuận ngừng leo thang cuộc chiến thương mại, hoặc một lệnh “đình chiến”, tạm thời không tăng thuế, tương tự thỏa thuận đạt được tại thượng đỉnh G20 cuối năm ngoái ở Buenos Aires, Argentina.

Thỏa thuận “đình chiến” năm ngoái không tồn tại lâu. Tháng trước, Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải tăng thuế trả đũa đối với 60 tỷ USD hàng Mỹ.

Ông Trump cũng tuyên bố sẽ đánh thuế lên phần hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc, giá trị khoảng 300 tỷ USD, và lệnh tăng thuế này đang được lấy ý kiến công chúng. Ông Trump nói sẽ ra quyết định cuối cùng sau cuộc gặp với ông Tập bên lề G20.

“Các lãnh đạo được kỳ vọng sẽ tỏ thái độ hợp tác khi gặp nhau... nhưng vẫn chưa biết họ có đủ quyết tâm và sáng suốt để hòa giải các khác biệt vốn tồn tại sâu sắc trong chính trị nội bộ mỗi nước, vượt xa các vấn đề thương mại”, Zhu Feng, giáo sư quan hệ quốc tế tại ĐH Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, nói với South China Morning Post. “Nói thật, tôi không chắc họ sẽ sớm làm được vậy”.

Giới quan sát cũng cảnh báo dù hai bên có thể nhượng bộ trong vấn đề thương mại, cạnh tranh về công nghệ sẽ ngày càng gay gắt. Ngày 21/6, Mỹ thêm 5 công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, sau lệnh cấm bán công nghệ cho hãng thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei tháng trước.

“Kết quả tốt nhất từ cuộc gặp này là thỏa thuận ngừng tăng thuế”, Tom Rafferty, kinh tế gia chuyên về Trung Quốc ở nhóm tư vấn Intelligence Unit của tạp chí Economist, nói với CNBC.

“Nguy cơ đàm phán đổ vỡ và Mỹ tiếp tục tăng thuế là rất cao”, và quan trọng nhất là phải tìm được các điều khoản cân bằng giữa lợi ích của Mỹ và Trung Quốc, theo ông Rafferty.

dam phan My - Trung anh 2
Một buổi đàm phán giữa phái đoàn thương mại Mỹ - Trung hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.

Huawei là mâu thuẫn nổi cộm

Mâu thuẫn giữa hai bên đã lớn hơn so với khi đàm phán đổ vỡ sáu tuần trước. “Huawei là nút thắt quan trọng nhất. Đàm phán thương mại khó đi xa trừ khi Trung Quốc bảo đảm đường sống cho Huawei”, Michael Hirson, chuyên gia Trung Quốc, Đông Bắc Á của hãng tư vấn Eurasia Group, nói với CNBC.

“Ông Trump sẽ bị cả hai đảng phản đối nếu cố gắng đảo ngược các giới hạn hiện tại với Huawei, và sẽ buộc phải chứng tỏ rằng thỏa thuận thương mại giải quyết được các vấn đề liên quan đến chính sách công nghệ của Bắc Kinh, các giới hạn tiếp cận thị trường và trợ cấp cho các công ty nội địa”, ông Hirson nói.

Mỹ từ lâu đã cáo buộc Bắc Kinh ép buộc doanh nghiệp Mỹ lập liên doanh thì mới được tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân, đồng nghĩa với việc chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc. Ngoài ra, công ty Trung Quốc bị cho là cạnh tranh không lành mạnh với các khoản trợ cấp khổng lồ từ nhà nước.

Huawei vẫn được miễn trừ lệnh cấm vận để có thể mua bán giới hạn với công ty Mỹ, cho đến ngày 19/8. Nếu không được gia hạn, và không có thỏa thuận thương mại bao quát nào giải quyết dứt điểm tình trạng cấm vận, “Huawei sẽ hết đường làm ăn... và với thiệt hại như vậy. Trung Quốc chắc chắn không kiềm chế nữa và sẽ trả đũa”, Scott Kennedy, cố vấn về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), nói với Washington Post.

dam phan My - Trung anh 3
Ông Tập sẽ không chịu sức ép từ trong nước nhiều như ông Trump, người vừa khởi động chiến dịch tranh cử 2020. Ảnh: Reuters.

Khó đoán tình hình Trung Quốc

“Hai bên đều lo ngại bị chỉ trích là đã quá nhượng bộ để đạt thỏa thuận”, Michael Pillsbury của viện chính sách Hudson Institute, người thường cố vấn cho Tổng thống Trump, nói với Washington Post. “Nhưng không bên nào hiểu suy nghĩ của bên kia”.

Khác biệt giữa hai bên thể hiện rõ qua việc các nhà đàm phán Trung Quốc yêu cầu Mỹ thay đổi các điều khoản vào phút cuối.

Bộ Chính trị Trung Quốc bác một số điều khoản quan trọng trong thỏa thuận 150 trang mà họ coi là thiếu cân bằng, một nguồn tin nói với Washington Post. Họ nghi ngờ chính quyền Trump có ý đồ thực sự là ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, chứ không đơn thuần là giải quyết tranh chấp thương mại.

Một số nhà quan sát coi đó là lỗi của trưởng đoàn đàm phán phía Trung Quốc, ông Lưu Hạc, vì đã không dọn đường đủ để Bắc Kinh chấp nhận thỏa thuận. Chủ tịch Tập biết một cách chung chung về thỏa thuận mà ông Lưu, cố vấn thân cận, đàm phán. Nhưng ông Tập không nhìn thấy nguyên văn thỏa thuận cho đến khi nó được gửi đến các ủy viên Bộ Chính trị.

“Khi ông Tập nhìn tận mắt những lời bình luận từ các ủy viên Bộ Chính trị, ông nhận ra thỏa thuận của ông Lưu quá mạo hiểm đối với mình”, Dennis Wilder, nhà phân tích về Trung Quốc cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nói với Washington Post.

Những yêu cầu thay đổi luật Trung Quốc mà trưởng đoàn đàm phán phía Mỹ Robert Lighthizer đặt ra bị coi là xúc phạm đối với Bắc Kinh.

“Ông Tập là lãnh đạo đầy quyền uy, nhưng các điều kiện mà đảng của ông sẽ chấp nhận cũng chỉ có giới hạn”, Cete Willems, cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng, nói với Washington Post.

Cách đàm phán không khoan nhượng của ông Trump, tôi luyện trong thế giới bất động sản Manhattan “cá lớn nuốt cá bé”, dường như đang xung khắc với cách làm việc của giới tinh hoa ở Bắc Kinh.

dam phan My - Trung anh 4
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nghe Tổng thống Trump phát biểu trong đợt đàm phán gần nhất, khi thỏa thuận thương mại dài 150 trang dường như sắp được ký kết. Ảnh: Reuters.

Cuộc đấu trí dài hơi

“Tôi nghi ngờ khả năng có thỏa thuận”, Jacob Shapiro, chuyên gia phân tích cho trang tin Geopolitical Futures, viết cho CNBC. “Tôi nghĩ cả ông Tập và ông Trump cần thêm thời gian để chứng tỏ mình cứng rắn trước người dân trong nước, trước khi một trong hai người sẵn sàng nhượng bộ”.

Có những dấu hiệu khác biệt trong lần đàm phán này. Ông Trump đã tuyên bố tái tranh cử 2020 và các thăm dò cho thấy ông đang thua ứng viên dẫn đầu bên phía đảng Dân chủ Joe Biden. Ngày 24/6, bắt đầu 7 ngày lấy ý kiến về kế hoạch tăng thuế thêm 300 tỷ USD hàng Trung Quốc, các công ty Mỹ cho biết Trung Quốc vẫn là địa chỉ mua hàng khó thay thế đối với nhiều mặt hàng như dệt may, điện tử và hàng tiêu dùng.

Ông Trump luôn mạnh miệng nói thuế quan sẽ khiến Trung Quốc thiệt hại đến mức phải nhượng bộ. Nhưng các động thái gần đây không thể hiện sức mạnh, theo Washington Post.

Ông hoãn việc thông báo chính thức với quốc hội Mỹ về thương vụ bán vũ khí 2 tỷ USD cho Đài Loan, điều chắc chắn sẽ chọc giận Bắc Kinh. Ông cũng hoãn bài phát biểu của Phó tổng thống Mike Pence phê bình Trung Quốc về nhân quyền và ám chỉ rằng các lo ngại an ninh quốc gia xoay quanh Huawei có thể dàn xếp được trong đàm phán.

Ông Tập đã sẵn sàng cho cuộc đấu trí dài hơi, tuyên bố người dân Trung Quốc nên sẵn sàng cho một cuộc “trường chinh”. Trong khi đó, ông Trump nhờ đe dọa tăng thuế đã buộc Mexico phải điều binh lính đến biên giới để kiểm soát người nhập cư từ Trung Mỹ.

Cả hai lãnh đạo đều có lý do để tự tin vào chiến lược của mình. Cuộc đàm phán tuần này và cuộc gặp bên lề G20 vẫn khó đoán.

'Bức màn sắt' - công nghệ thế giới chia đôi vì thương chiến Mỹ-Trung?

Thương chiến Mỹ - Trung chuyển thành cuộc chạy đua công nghệ chủ chốt của tương lai. Trong một viễn cảnh cực đoan, thế giới sẽ chia hai nửa với những công nghệ hoàn toàn khác nhau.

Trước Trung Quốc, Mỹ từng 'hạ gục' Nhật trên chiến trường thương mại

Trung Quốc đang vật vã trong cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể nhìn kinh nghiệm "đau thương" của Nhật Bản thời thập niên 1980-1990 để rút ra bài học.




'Got chan Achilles' cua ba Harris hinh anh

'Gót chân Achilles' của bà Harris

0

Kinh nghiệm làm công tố viên của bà Kamala Harris giờ đây lại trở thành "điểm gợn" trong cách tiếp cận báo giới, khiến ứng viên đảng Dân chủ gặp khó trong cuộc tranh cử tổng thống.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm