Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc 've vãn' Malaysia bằng chiêu bài kinh tế

Thủ tướng Trung Quốc đưa ra một loạt ưu ái kinh tế cho Malaysia trong chuyến thăm chính thức quốc gia Đông Nam Á dài 4 ngày, nhằm che đậy những căng thẳng hiện tại trên Biển Đông.

Ả
Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường bắt tay trong cuộc gặp ở Kuala Lumpur, ngày 24/11. Ảnh: Tân Hoa xã

​Tại cuộc gặp với các doanh nhân ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia ngày 23/11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói Bắc Kinh sẽ mua thêm trái phiếu của Malaysia, nâng hạng mức đầu tư nước ngoài lên 50 tỷ nhân dân tệ (7,8 tỷ USD) và giúp Malaysia xây dựng cơ sở hạ tầng giá rẻ, South China Morning Post đưa tin.

“Trước sự biến động của thị trường tài chính quốc tế, một số quốc gia phát triển chậm lại hoặc tăng trưởng tiêu cực, tỷ lệ lạm phát cao và đồng nội tệ mất giá mạnh. Để đảm bảo mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Malaysia phát triển ổn định, giữ vững thị trường tài chính là việc làm khẩn thiết”, ông Lý nói.

Nền kinh tế Malaysia đang đối mặt với tình trạng đồng tiền mất giá và hoạt động xuất khẩu sụt giảm, bê bối lạm phát liên quan tới Thủ tướng Najib Razak làm giảm lòng tin của giới đầu tư đối với giới lãnh đạo nước này. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa trải qua biến động hồi mùa hè khiến nhiều người đặt câu hỏi về khả năng điều phối nền kinh tế của nước này.

Hạn mức 50 tỷ nhân dân tệ sẽ được cấp theo đề án chương trình các nhà đầu tư nước ngoài đủ chuẩn (QFII). Đây là một trong những kênh quan trọng đối với giới đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc. “Ngân hàng trung ương Malaysia đang mong đợi điều này và chúng tôi ngạc nhiên trước gói hạn ngạch lớn như vậy”, ông Ong Ka Tinh, phái viên kinh tế của Malaysia tại Trung Quốc, nói.

Ông Lý Khắc Cường cũng kêu gọi hai nước phối hợp xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc có thể cắt giảm chi phí xây dựng bằng cách cung cấp các vật liệu rẻ.

Bắc Kinh đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng khắp khu vực. Đây là một phần của nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế của nước này.

Trước chuyến thăm chính thức Malaysia hôm qua, ông Lý đã tham dự hàng loạt cuộc gặp với lãnh đạo các nước Đông Nam Á tại các hội nghị của khu vực. Căng thẳng dâng cao trong các cuộc họp khi Mỹ chỉ trích Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này tại Biển Đông.

Trong suốt hội nghị cấp cao Đông Á, Trung Quốc lớn tiếng nói các nước cần duy trì hòa bình và ổn định tại vùng biển và các quốc gia ngoài khu vực (ám chỉ Mỹ) nên tránh khuấy động căng thẳng.

Ông Lý nói, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác Malaysia và các nước khác để chống chủ nghĩa khủng bố nhằm “tạo môi trường kinh doanh an toàn”.

Trái lại, tại hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN đưa ra tuyên bố bày tỏ sự lo ngại về khả năng Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông trong tương lai.

Thời gian gần đây, Malaysia lên tiếng trước việc xâm lấn của Trung Quốc tại khu vực giàu dầu mỏ. ​Hồi tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia, ông Datuk Hamzah Zainuddin, khẳng định Malaysia và các nước ASEAN không chấp nhận đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông mô tả bản đồ “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh hoàn toàn vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Trong tháng 10, tại diễn đàn an ninh Hương Sơn do chính Trung Quốc tổ chức, Tướng Zukkefli Mohd Zin, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Malaysia, cũng đề cập tới "vấn đề khiêu khích không chính đáng của người Trung Quốc" khi xây dựng phi pháp trên các đảo ở Biển Đông.

Giới quan chức Malaysia từng nói việc Bắc Kinh ngang nhiên tập trận hải quân trên đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam khiến nước này thay đổi cách nhìn nhận vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc bị công kích về Biển Đông tại hội nghị Đông Á

Một thành viên dự hội nghị cấp cao Đông Á diễn ra tại Malaysia ngày 22/11 cho biết, Trung Quốc bị “tất cả các bên công kích về mặt ngôn từ” liên quan tới vấn đề Biển Đông.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm