Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuyên bố mập mờ của học giả Trung Quốc bị phản bác

Một số học giả nghiên cứu Biển Đông trong và ngoài nước chỉ ra sự mập mờ, "đổi trắng thay đen" trong phát biểu của học giả Trung Quốc về hoạt động bồi đắp, cải tạo của nước này.

Học giả Thẩm Đinh Lập từ Trung Quốc phát biểu tại hội thảo quốc tế về Biển Đông. Ảnh: Hải An.

Tại hội thảo quốc tế về Biển Đông đang diễn ra ở Vũng Tàu, ông Thẩm Đinh Lập, phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế, Đại học Phúc Đán, Trung Quốc nêu lên một lập luận rằng “Trung Quốc bắt đầu xây dựng tiền đồn muộn hơn một số bên, dù tốc độ nhanh hơn. Nếu yêu cầu Trung Quốc phải ngưng hành động này thì các nước liên quan như Philippines, Malaysia cũng phải chấm dứt”. Nhiều học giả Việt Nam và quốc tế không đồng tình với lập luận của ông Thẩm.

Trung Quốc cải tạo quy mô lớn

Tiến sĩ Trần Trường Thuỷ - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) - nhận định với Zing.vn rằng, dưới góc độ luật pháp quốc tế, việc xây dựng của các nước diễn ra trên các đảo đã tồn tại sẵn. Trong khi đó Trung Quốc biến những đảo chìm thành các đảo nổi.

“Điều khác biệt cơ bản thứ hai là về quy mô và tốc độ giữa các bên so với hành động của Trung Quốc. Thực trạng này dẫn đến rất nhiều hệ luỵ", ông nói

Ông Thủy cho rằng, hệ luỵ đầu tiên chính là ảnh hưởng đến môi trường. Cách làm của Trung Quốc đang tàn phá môi trường, ảnh hưởng đến những rạn san hô. Trong khi đó, những nước khác chủ yếu mang nguyên vật liệu từ trong đất liền ra nên hoạt động xây dựng của họ không ảnh hưởng đến môi trường”, ông Trần Trường Thuỷ nói.

Vị chuyên gia cho biết thêm, rất nhiều ý kiến lo ngại về tác động chiến lược quân sự và an ninh lâu dài từ quá trình bồi lấp của Trung Quốc. Từ những vị trí ấy, Trung Quốc có thể phô trương sức mạnh,  điều động hải quân, cảnh sát biển, ngư dân làm điểm xuất phát để tiến đến xâm phạm vào vùng biển của các nước ở phía Nam, Đông, Tây của Biển Đông.

Giới quan sát cũng lo ngại khả năng Trung Quốc có thể thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không trên Biển Đông và thực thi nó. Ông Thuỷ nói, mối quan tâm của thế giới bây giờ là ngăn chặn Trung Quốc quân sự hoá những đảo mà họ bồi lấp.

“Do vậy, những điểm khác biệt là rất lớn. Câu chuyện không chỉ là cải tạo đảo, mà là cải tạo đảo quy mô lớn”, Tiến sĩ Trần Trường Thuỷ nêu rõ.

â
Giáo sư Liselotte Odgaard thuộc Học viện Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch. Ảnh: Hải An

Học giả Trung Quốc không nên "đổi trắng thay đen" 

Tiến sĩ Nguyễn Nam Dương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược - cho biết, các học giả quốc tế đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hoá các khu vực ở Trường Sa là hành động ảnh hưởng lớn nhất đến hoà bình và ổn định trong khu vực. Quy mô cải tạo của Trung Quốc cũng vượt qua những nước khác trong khu vực đến hàng chục lần.

“Tôi cho rằng, các học giả Trung Quốc không nên 'đổi trắng thay đen' như vậy. Chúng ta cần nhìn nhận rằng, thách thức lớn nhất đối với hoà bình, ổn định chính là những việc làm của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”, Tiến sĩ Nguyễn Nam Dương nhấn mạnh khi trả lời Zing.vn.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, phân tích rõ về sự mập mờ trong quan điểm của học giả Thẩm Đình Lập. Các nước khác cũng có bồi đắp nhưng không đáng kể, chỉ cải tạo một chút, chứ không phải thay đổi nguyên trạng như Trung Quốc. “Hành động của các nước khác không làm thay đổi nguyên trạng của Biển Đông. Lập luận của ông Thẩm Đinh Lập rằng ‘nước nào cũng bồi đắp’ là động thái nhằm lẩn tránh việc thừa nhận Trung Quốc đã bồi đắp một cách toàn diện, quy mô lớn nhằm dọn đường cho ý đồ quân sự hoá Biển Đông”, Tiến sĩ Trường nói.

Giáo sư Liselotte Odgaard, Học viện Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch, đồng diễn giả phiên trình bày của ông Thẩm Đinh Lập, nói: “Đúng là không phải chỉ riêng Trung Quốc cải tạo, bồi lấp và xây dựng trong khu vực. Tuy nhiên, họ cũng nói rằng các công trình này có thể phục vụ nhiều mục đích, bao gồm mục đích dân sự và quân sự. Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc muốn chiến tranh, nhưng cách họ đang làm chính là khiến tình hình bất ổn”.

“Điều mà học giả Thẩm Đinh Lập quên không đề cập, đầu tiên là Trung Quốc chưa từng làm rõ những tuyên bố chủ quyền của nước này. Song song đó, Bắc Kinh lại nói sẽ sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ những tuyên bố này. Những điều này là yếu tố cơ bản dẫn đến sự bất ổn”, giáo sư Odgaard nói với Zing.vn

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm