Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học giả Trung Quốc 'tung hoả mù' về bồi lấp đảo

Tại hội thảo quốc tế về Biển Đông, học giả Trung Quốc tiếp tục rêu rao quan điểm rằng nước này đã kiềm chế, bao biện cho việc bồi đắp đảo nhân tạo, bất chấp sự lên án của quốc tế.

Ông Thẩm Đinh Lập, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Đại học Phúc Đán, Trung Quốc. Ảnh: Hải An

Tiến sĩ Thẩm Đinh Lập, Phó Giám đốc, Viện Nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế, Đại học Phúc Đán, Trung Quốc, cho rằng nước này “đang cố gắng kiềm chế, không sử dụng vũ lực và cố gắng tận dụng những biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp".

Ông Lập còn lớn tiếng: "Nếu yêu cầu Trung Quốc phải ngưng hành động này thì các nước liên quan như Philippines, Malaysia cũng phải chấm dứt”.

Lại luận điệu không theo đuổi bá quyền 

Vị học giả Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh về cơ chế giải quyết tranh chấp song phương trong tranh chấp Biển Đông.

Khi Trung Quốc xảy ra va chạm với Philippines, Malaysia, chúng tôi phải thảo luận với từng bên một để cùng giải quyết cụ thể những vấn đề. Chúng tôi muốn thảo luận song phương trước tiên để thấu hiểu nhau, rồi mới gặp các bên đa phương để thảo luận, ông lập luận.

Ông Thẩm Đinh Lập nhắc lại bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc của Chủ tịch Đặng Tiểu Bình năm 1974 rằng Trung Quốc đang và sẽ không bao giờ theo đuổi bá quyền.

“Mỹ có thể bá quyền trên biển và trên không, nhưng Trung Quốc sẽ không như vậy. Nếu Trung Quốc bá quyền, các bạn có thể đoàn kết chống lại chúng tôi. Nhưng đó là điều không bao giờ xảy ra. Chúng ta hãy cùng tôn trọng các cam kết như không quân sự hoá. Tuy nhiên, mỗi bên đều có những nhu cầu nhất định về mặt quốc phòng. Do vậy chúng ta cần đối thoại và tôn trọng lẫn nhau”, ông nói.

Tiến sĩ Thẩm Đinh Lập bỏ qua thực tế rằng, quan điểm và hành xử của nước này đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế. 

Mới đây nhất, tại Cấp cao Đông Á, Thủ tướng Abe nêu quan ngại trước việc Trung Quốc bồi lấp quy mô lớn và nhanh chóng, cùng việc thiết lập các căn cứ phục vụ mục đích quân sự . Bất kể vì mục đích dân sự hay quân sự, mọi quốc gia phải tránh các hành động thay đổi hiện trạng và chống lại luật pháp, nhà lãnh đạo Nhật Bản nêu.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng kêu gọi chấm dứt việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. 

Bắc Kinh ám chỉ việc sẵn sàng dùng vũ lực ở Biển Đông

Ngay tại hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Vũng Tàu, các học giả cũng nêu ra các luận điểm phản bác. 

Giáo sư Liselotte Odgaard, Học viện Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch, cho rằng, Trung Quốc sử dụng các hành động răn đe trong chiến lược chính sách đối ngoại nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền trên biển. Qua việc mở rộng đội tàu chấp pháp, tăng cường năng lực hải quân và không quân, Bắc Kinh ám chỉ rằng họ sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần.

Tuy nhiên, bà Odgaard chỉ ra rằng, Mỹ xem hành động này là sử dụng vũ lực trái phép chống lại các nước láng giềng, trong khi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không hợp pháp. "Giữa 2 nước đang có xung đột quan điểm và điều này gây nguy hiểm cho khu vực. Do vậy, Trung Quốc cần phải ngừng các biện pháp gây hấn để thuyết phục các bên. Mỹ cũng phải giải thích những nỗ lực để tăng cường các mối liên minh. Mỗi bên cần thực hiện tự kiềm chế", nữ giáo sư từ Đan Mạch nói.

Giáo sư Brahma Chellaney, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi, Ấn Độ, nhấn mạnh trong bài phát biểu rằng: “Chưa có khu vực nào mà các thách thức hàng hải nhiều như ở Biển Đông”.

Ông Chellaney nói, khi các nước có những tuyên bố chủ quyền khác nhau trên Biển Đông, cuộc cạnh tranh về nguồn tài nguyên, chủ nghĩa dân tộc gia tăng, cạnh tranh tăng cường năng lực hải quân… đã khiến tình hình trên biển căng thẳng, tạo ra nhiều mối đe doạ với tự do hàng hải (FON) trên Biển Đông.

GS. Liselotte Odgaard, Học viện Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch, Đan Mạch. Ảnh: Hải An

Cần kiến trúc an ninh biển toàn diện hơn

Tiến sĩ Nguyễn Nam Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao) nhìn nhận, quá trình quản lý xung đột hiện tại không theo kịp những tình huống thay đổi nhanh chóng, trong khi xung đột ở Biển Đông ngày càng leo thang những thăm gần đây. Theo ông, Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông nếu hoàn thành cũng có thể không hoàn toàn đạt mục tiêu là bảo đảm an ninh hàng hải trong khu vực.

Tiến sĩ Dương đề xuất những cơ chế hiện hành (DOC và sau này là COC) cần bao hàm một kiến trúc an ninh biển trong khu vực toàn diện hơn (RMSA). Ông cho rằng, một kiến trúc như vậy sẽ là nền tảng đối thoại và hợp tác trong khu vực, không chỉ giữa các bên liên quan trong xung đột, mà còn là các nước có lợi ích từ sự ổn định hàng hải.

​Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Đại sứ Đặng Đình Quý (Giám đốc Học viện Ngoại giao) nhận định về tình hình Biển Đông trong năm 2015 nhận định chung về tình hình Biển Đông trong năm 2015 “không có những cơn bão lớn nhưng sóng ngầm vẫn cuồn cuộn”, đe doạ tuyến đường giao thông huyết mạch và an ninh khu vực. “Nguyên trạng trên Biển Đông ngày càng bị thay đổi”, Đại sứ Đặng Đình Quý nói.

Ông cho rằng: “Biển Đông trở thành thuốc thử trong cam kết của nhiều nước về duy trì ổn định hoà bình, ổn định trong khu vực”. 

Thủ tướng: Đưa Biển Đông thành nơi hòa bình

Tại Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 10 ngày 22/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn chủ trương làm hết sức để cùng các nước đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình.

Obama kêu gọi ngừng bồi lấp đảo nhân tạo ở Biển Đông

Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định ngừng cải tạo, xây dựng và quân sự hóa các khu vực tranh chấp ở Biển Đông là điều kiện cần thiết để đảm bảo hòa bình trong khu vực.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm