Tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, không thể phủ nhận những gương mặt đại diện cho giấc mơ thể thao của Trung Quốc đều là người Mỹ.
Vận động viên trượt tuyết tự do Eileen Gu (Cốc Ái Lăng), vươn lên vị trí dẫn đầu ở thế vận hội kéo theo sự bùng nổ danh tiếng của cô ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Eileen Gu, 18 tuổi, còn có một quê hương khác là Mỹ, nơi cô chào đời. Mẹ cô là người Trung Quốc và cha là người Mỹ. Đất nước cờ hoa cũng là nơi Gu tìm ra tình yêu của mình với môn thể thao trượt tuyết.
Vào năm 2015, chỉ vài tháng sau khi bước lên bục vinh quang World Cup lần đầu tiên, vận động viên sinh ra ở San Francisco (Mỹ), tuyên bố cô sẽ chuyển sang thi đấu cho Trung Quốc thay vì Mỹ.
Quyết định này đã đẩy cô vào tâm điểm tranh cãi.
"Đây là một quyết định khó khăn đối với tôi", cô chia sẻ trong một bài đăng trên Instagram vào thời điểm đó.
Ngôi sao của Trung Quốc
Eileen Gu đã trở thành cái tên quen thuộc ở Trung Quốc. Nhiều người có thể dễ dàng nhận thấy gương mặt của cô trên khắp các biển quảng cáo và bìa tạp chí ở đất nước tỷ dân. Cô sở hữu gần 2 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Weibo, nhận được sự quan tâm từ nhiều nhà tài trợ và thương hiệu nổi tiếng của Trung Quốc.
Hình ảnh quảng cáo của Eileen Gu xuất hiện trên đường phố Trung Quốc ngày 11/1. Ảnh: CNN. |
Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang là áp lực nặng nề khi mang hai dòng máu Trung - Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa hai nước leo thang.
Gu không phải là người duy nhất chịu áp lực này. Thế vận hội Bắc Kinh có số lượng các vận động viên sinh ra ở nước ngoài tranh tài cho Trung Quốc cao nhất trong lịch sử, trong số đó nhiều người đến từ Bắc Mỹ.
Eileen Gu đã trở thành đại diện cho một Trung Quốc đầy tham vọng, mong muốn chứng tỏ sức mạnh thu hút tài năng trẻ ở nước ngoài.
Nhưng những vận động viên này, đặc biệt là những người gốc Trung Quốc, đang mắc kẹt giữa hai quốc gia và bối rối khi xây dựng “danh tính kép” trong mắt công chúng.
Bị miệt thị là "đứa trẻ vô ơn của nước Mỹ"
Eileen Gu đã tiến vào chung kết Big Air tại vòng loại đầu tiên hôm 7/2, sau khi được giới thiệu là "vận động viên yêu thích" và thu hút tiếng cổ vũ từ đám đông phấn khích.
Nhưng sự nổi tiếng của cô đối mặt với thách thức riêng. Fox News đã gán cho cô cái tên "đứa trẻ vô ơn của nước Mỹ". Đây cũng là thái độ xuất hiện thường xuyên trong các bài đăng trên trang mạng xã hội của những vận động viên mang hai dòng máu như cô Gu.
Eileen Gu sau khi về nhất trong cuộc thi Freeski Halfpipe dành cho nữ tại Toyota U.S. Grand Prix vào ngày 8/1 ở Mammoth, California. Ảnh: AFP. |
"Rất vui khi thấy bạn mang tất cả thành công và thành tích của mình ở Mỹ sang Trung Quốc, chứ không phải đại diện cho nơi bạn sinh ra và lớn lên", trích một bình luận dưới những bài đăng trên Instagram của Gu vào tuần trước.
Một số người thậm chí cáo buộc cô đặt lợi nhuận lên trên lập trường về các vấn đề nhân quyền. Họ đặc biệt chỉ trích các khoản tài trợ “khủng” mà Gu nhận được ở Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ đang dẫn đầu một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, với lý do cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền trong vấn đề Tân Cương. Eileen Gu giữ im lặng về điều này.
Cô đã cố gắng giữ vị trí trung lập. Cô đăng tải nội dung trên mạng xã hội bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung, đăng ảnh từ cả Thượng Hải và California, chọc cười khán giả Mỹ trên TikTok và đóng phim tài liệu tiếng Trung ở đại lục.
"Khi tôi ở Trung Quốc, tôi là người Trung Quốc. Khi tôi ở Mỹ, tôi là người Mỹ", Gu nói với Olympic Channel tại Thế vận hội mùa đông dành cho thanh niên Lausanne 2020.
Tuần trước, cô ám chỉ đến danh tính kép này trong một bài đăng trên Instagram. “Sau khi được làm quen với môn thể thao khi lớn lên ở Mỹ, tôi muốn khuyến khích những người trượt tuyết ở Trung Quốc giống như cách mà những thần tượng người Mỹ đã truyền cảm hứng cho tôi”, cô viết.
Không có lựa chọn
Nhưng dù Gu muốn tôn trọng cả hai dòng máu và tránh xa các vấn đề chính trị, có vẻ như thế giới sẽ không cho phép điều đó.
Việc Trung Quốc cởi mở với Gu mang lại một góc nhìn khác về vấn đề quốc tịch của nước này.
Hình ảnh Eileen Gu tại Thế vận hội mùa đông 2022. Ảnh: Winnquick. |
Hiện hơn 10 vận động viên đại diện cho Trung Quốc tại Thế vận hội 2022 được sinh ra ở nước ngoài.
Việc chuyển đổi quốc tịch để chơi thể thao khá phổ biến trên thế giới, nhưng Trung Quốc chỉ mới bắt đầu, Susan Brownell, một chuyên gia về thể thao Trung Quốc tại Đại học Saint Louis, cho biết.
Sự thay đổi này rất bất thường, do Trung Quốc luôn duy trì một số quy tắc nhập cư nghiêm ngặt nhất thế giới.
Các vận động viên gốc Trung Quốc bị quan sát một cách khắt khe nhất, chẳng hạn như trường hợp vận động viên trượt băng sinh ra ở Mỹ Zhu Yi, trước đây được gọi là Beverly Zhu.
Màn ra mắt đáng thất vọng của Zhu ở Olympic là minh chứng cho những áp lực riêng mà các vận động viên này phải đối mặt. Sau khi cô ngã trên sân băng và đạt được số điểm thấp nhất hôm 6/2, mạng xã hội Trung Quốc bùng nổ những lời lẽ châm chọc nhắm vào vận động viên trượt băng 19 tuổi này.
Trên Weibo, hashtag "Zhu Yi gục ngã" đạt 200 triệu lượt xem chỉ sau vài giờ. "Đây thật là một sự ô nhục", một bình luận cho biết, nhận được 11.000 lượt thích.
Hôm 7/2, nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật đã bật khóc sau khi lần thứ hai trượt ngã trên sân thi đấu. Và những lời chỉ trích lại tiếp tục trút lên Zhu trên mạng xã hội.
Vận động viên Zhu Yi bị ngã trên sân đấu. Ảnh: AFP. |
Trường hợp của Eileen Gu và Zhu Yi có phần trái ngược. Eileen Gu đã thu hút công chúng nhờ thông thạo tiếng Quan thoại (tiếng phổ thông của Trung Quốc) và sự am hiểu về văn hóa quê nhà. Trong khi đó, Zhu Yi bị chỉ trích và hoài nghi vì không thể thông thạo tiếng Trung.
Cuộc tranh luận về quyền công dân
Trước mắt Eileen Gu và nhiều vận động viên sinh ra ở nước ngoài là câu hỏi về quyền công dân.
Trung Quốc không cho phép mang hai quốc tịch. Trong những năm gần đây, chính phủ đã khuyến khích người dân báo cáo những người bí mật giữ hai hộ chiếu. Có rất ít trường hợp ngoại lệ đối với lệnh cấm này, giáo sư Donald Clarke, thuộc Trường Luật Đại học George Washington, cho biết.
“Cách duy nhất để các cầu thủ khúc côn cầu trở thành công dân Trung Quốc là nhập tịch và từ bỏ quốc tịch nước ngoài của mình”, ông Clarke nói với CNN. Trường hợp của Eileen Gu cũng vậy.
Nhưng không rõ điều này đã được thực thi hay chưa. Nữ vận động viên trượt tuyết chưa bao giờ công khai chia sẻ về việc liệu cô có từ bỏ quốc tịch Mỹ để thi đấu cho Trung Quốc hay không.
Trang web chính thức của Thế vận hội dường như từng xác nhận tình trạng hai quốc tịch của cô trong một bài báo hồi tháng một.
Giáo sư Clarke cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc đã tự “bẻ cong” các quy định của mình để cho phép vận động viên sinh ra ở nước ngoài được giữ hai hộ chiếu, với hy vọng tăng số lượng huy chương Olympic.
Eileen Gu "nên trở thành thần tượng của cả thế giới", một người hâm mộ Trung Quốc nói với Global Times. "Trước đây mọi người muốn trở thành người Mỹ, vậy tại sao bây giờ không thể chấp nhận rằng mọi người muốn trở thành người Trung Quốc?".