Tính đến tuần trước, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã gỡ bỏ 150.000 nội dung được cho là độc hại trên mạng và trừng phạt hơn 4.000 tài khoản liên quan đến các cộng đồng người hâm mộ, theo Tân Hoa xã.
Điều này đã khiến các dịch vụ trực tuyến và mô hình kinh doanh liên kết với cộng đồng người hâm mộ phải đóng cửa, South China Morning Post đưa tin ngày 12/8.
Chẳng hạn, nền tảng Weibo đã thông báo về việc xóa "Danh sách xếp hạng Star Power" - vốn được tạo ra nhằm khuyến khích sự cạnh tranh giữa người hâm mộ để nâng thứ hạng cho thần tượng của họ trong danh sách.
CAC bắt đầu chiến dịch truy quét gắt gao của họ vào tháng 6, nhằm kỷ luật các nhóm người hâm mộ trực tuyến. Những cộng đồng này thường thể hiện sự ủng hộ của họ đối với thần tượng bằng cách nói xấu và chơi đểu nhóm đối thủ. Tuy nhiên, chiến dịch truy quét cũng cho thấy sự ảnh hưởng ngày càng lớn của các fanclub cùng thần tượng của họ trong đời sống trên mạng và cả xu hướng tiêu dùng của xã hội.
Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch loại bỏ các cộng đồng người hâm mộ trực tuyến có hành vi độc hại. Ảnh: VCG. |
Từ "năng lượng tích cực" đến "hỗn loạn"
Chiến dịch này đánh dấu sự thay đổi trong thái độ của Bắc Kinh đối với văn hóa hâm mộ. Văn hóa này cách đây một năm đã được truyền thông nhà nước ca ngợi là phương tiện thúc đẩy “năng lượng tích cực”.
Tháng 7/2020, Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, đã xuất bản một bài báo cho rằng các nhóm fan nên được khuyến khích.
“Trong một số sự kiện công cộng về các vấn đề cốt lõi liên quan đến lợi ích quốc gia, những nhóm đó có thể nhanh chóng thể hiện sự gắn kết và thống nhất mạnh mẽ. Cộng đồng người hâm mộ có tiềm năng rất lớn nếu có thể được hướng dẫn đi đúng hướng”, bài bình luận này viết.
Tuy nhiên, ngày 15/6, CAC tuyên bố rằng họ sẽ chấm dứt “sự hỗn loạn” liên quan đến các nhóm người hâm mộ trực tuyến.
Động thái mới nhất của CAC diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt hơn việc quản lý không gian mạng của đất nước. Chiến dịch này được cho nhằm ngăn chặn hoạt động lôi kéo trẻ vị thành niên đóng góp tiền cho thần tượng, lạm dụng Internet, thu thập và công khai thông tin cá nhân của người khác với mục đích xấu.
Ở một mặt khác, sự giám sát của Bắc Kinh đối với các nhóm người hâm mộ phản ánh thực tế rằng cộng đồng fan ngày càng cố gây ảnh hưởng đến các luồng quan điểm trực tuyến.
Người hâm mộ chụp ảnh trong một sự kiện quảng cáo ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 19/5. Ảnh: VCG. |
Hầu bao của người hâm mộ
Mark Tanner, giám đốc điều hành của công ty theo dõi thị trường China Skinny có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Người tiêu dùng thực sự mở hầu bao cho thần tượng của họ”.
Cơ quan quản lý cũng đang ngừng các hoạt động khuyến khích người hâm mộ phô trương sự giàu có của họ, thao túng bình luận trên mạng xã hội, tạo các chủ đề trực tuyến để chiếm đoạt dư luận, và sử dụng robot mạng để tăng lưu lượng truy cập liên quan đến thần tượng của họ.
Eunice Zhang, một người hâm mộ 18 tuổi ở tỉnh Chiết Giang, cho biết mình từng dành nhiều giờ mỗi ngày để bảo vệ thần tượng và giúp họ đạt thứ hạng cao trên các nền tảng mạng xã hội như Weibo.
Zhang nói: “Trước đây, khi các thần tượng của em quảng cáo cho cái gì mới, em sẽ dùng tất cả tiền tiêu vặt của mình để mua mặt hàng đó. Tuy nhiên, bây giờ em chỉ mua những sản phẩm hữu ích”.
Một lượng lớn sữa được người hâm mộ mua và đổ đi để lấy mã QR nhằm ủng hộ thần tượng hồi đầu tháng 5. Ảnh: Global Times. |
Zhang hâm mộ cuồng nhiệt một số nhóm nhạc nam và diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc. Em cho biết mình không còn thấy bất kỳ nhóm người hâm mộ nào gây quỹ ủng hộ thần tượng kể từ khi chiến dịch kiểm soát của chính phủ bắt đầu.
Lập trường cứng rắn của Bắc Kinh đối với văn hóa thần tượng trên mạng dường như được đưa ra sau một chiến dịch tiếp thị của chương trình thực tế iQiyi hồi tháng 5. Video lan truyền trên mạng cho thấy một lượng lớn sữa bị đổ xuống cống.
Trong chiến dịch này, người hâm mộ có thể quét mã QR in bên trong nắp của hộp sữa do Mengniu Dairy sản xuất để có thêm phiếu bầu cho thần tượng của họ. Mengniu Dairy là nhà tài trợ của chương trình. Nhiều nhóm người hâm mộ đã mua một lượng lớn sữa chỉ để quét mã chứ không sử dụng sản phẩm.
Candy Li (15 tuổi), sống ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, cho biết mình đã tham gia các nhóm người hâm mộ từ khi còn là học sinh tiểu học. Là fan của một nhóm nhạc Hàn - Trung, Li từng 8 lần mua cùng một album để giúp nhóm đạt doanh số cao hơn.
“Là fan cuồng của một ngôi sao chắc chắn tốn rất nhiều tiền. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người hâm mộ đó phải tham gia vào cuộc chiến với các nhóm fan của thần tượng khác”, Li nói.