Hạng mục chính của sân bay quốc tế mới ở Phnom Penh, Campuchia, sẽ được Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) xây dựng trong hợp đồng trị giá 2,67 tỷ nhân dân tệ (405 triệu USD), theo Nikkei Asia.
Phối cảnh cho sân bay quốc tế mới của Phnom Penh được trưng bày tại công trường bên ngoài thủ đô. Ảnh: Nikkei Asia. |
Tổng kinh phí để xây dựng sân bay này là 1,5 tỷ USD.
Sân bay này là một phần trong chiến lược thúc đẩy du lịch của chính phủ Campuchia. Kế hoạch xây dựng sân bay xuất hiện trong bối cảnh các dự án khác, bao gồm khu nghỉ dưỡng mới gần Angkor Wat, đang bị nghi ngờ về tính khả thi trong dài hạn.
Thắng lợi lớn của MCC
Với MCC, giành được hợp đồng xây sân bay này là chiến thắng quan trọng. Đây là hợp đồng nước ngoài lớn nhất của công ty trong năm nay, vượt qua hợp đồng trị giá 1,26 tỷ nhân dân tệ (gần 192 triệu USD) công ty ký hồi tháng 2 để thiết kế và xây dựng Công viên Wanli Rainforest Northern ở Singapore.
Với việc đại dịch làm giảm số lượng dự án ở nước ngoài trong năm nay, MCC phải duy trì hoạt động nhờ vào việc xây các công trình công cộng trong nước. Nhu cầu xây dựng nội địa đã giúp các hợp đồng mới ký của MCC trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt 803,32 tỷ nhân dân tệ (hơn 122 tỷ USD), tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
MCC và các công ty con đã có một số dự án ở Campuchia, bao gồm cả dự án phát triển ven biển gây tranh cãi do Union Development Group thực hiện.
Campuchia đã nhận được hàng tỷ USD vốn đầu tư công và tư của Trung Quốc, phần lớn trong đó dưới khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Việc xây dựng sân bay Phnom Penh mới đang được Tập đoàn Campuchia Investment Corp (OCIC) giám sát. Sân bay này sẽ có diện tích khoảng 700 ha và là một phần của tổ hợp dân cư và thương mại khoảng 2.600 ha.
OCIC đã đầu tư 280 triệu USD và nắm giữ 90% cổ phần của dự án này, trong khi đó, Cục Hàng không Dân dụng Campuchia sở hữu 10% còn lại.
Hợp đồng với MCC chiếm khoảng 30% tổng ngân sách dành cho sân bay mới, theo hồ sơ được gửi cho cả hai sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải trong tuần này. Việc xây dựng sẽ được công ty con của MCC, Shanghai Baoye Group, thực hiện.
Hạng mục của công ty này bao gồm một đường băng dài 4.000 m, rộng 60 m, cũng như đường lăn, sân đỗ và các cơ sở liên quan. Việc xây dựng dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Sân bay quốc tế hiện tại của Phnom Penh có thể bị chuyển mục đích sử dụng. Ảnh: Nikkei Asia. |
Phần lớn nguồn vốn cho sân bay mới đến từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB). Ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước này đã cam kết cho vay 1,1 tỷ USD để xây dựng dự án.
Thỏa thuận cho vay giữa CDB và OCIC đã được ký vào tháng 1/2018 với sự chứng kiến của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Ông Hun Sen cho biết sân bay Phnom Penh mới dự kiến khai trương giai đoạn đầu vào năm 2023. Sân bay này là một phần trong chiến lược tăng cường du lịch của Campuchia. Một sân bay khác do Trung Quốc hỗ trợ đang được xây dựng ở tỉnh Siem Reap cũng nằm trong chiến lược này.
Sân bay ở tỉnh Siem Reap do Tập đoàn Đầu tư Vân Nam thuộc sở hữu chính quyền tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, xây dựng theo hình thức đầu tư BOT. Sân bay này sẽ được chuyển giao lại cho chính phủ Campuchia sau 55 năm.
Vai trò của công ty Pháp bị đe dọa
Các sân bay mới của Campuchia ngày càng có nhiều khả năng chấm dứt vai trò lớn của công ty Cambodia Airports do Pháp sở hữu trong lĩnh vực hàng không của quốc gia Đông Nam Á này.
Cambodia Airports, do công ty Vinci của Pháp sở hữu 70% và liên doanh Malaysia-Campuchia Muhibbah Masteron Campuchia sở hữu 30%, đang được độc quyền khai thác các sân bay quốc tế hiện có của Campuchia cho đến năm 2040. Những sân bay này nằm ở Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville.
Sân bay quốc tế Sihanoukville của Campuchia do Cambodia Airports khai thác. Ảnh: Airport World. |
Tuy nhiên, tương lai của công ty này đang trở nên bất định. Phát biểu tại địa điểm xây dựng sân bay mới ở Phnom Penh vào tháng 6, ông Hun Sen nói với các phóng viên rằng sân bay hiện tại ở thủ đô sẽ được dùng cho các chuyến bay nội địa, vận chuyển hàng hóa, đón tiếp các phái đoàn và mục đích quân sự.
Sinn Chanserey Vutha, phát ngôn viên của Cục Hàng không Dân dụng Campuchia, nói với Nikkei Asia rằng đang có các cuộc thảo luận "cấp cao" với Cambodia Airports về vai trò hoặc mức bồi thường trong tương lai.
"Các cuộc đàm phán sẽ mất nhiều thời gian. Không phải một năm, hoặc hai năm. Có thể vài năm", phát ngôn viên này nói.
Cambodia Airports từ chối trả lời các câu hỏi bình luận về dự án mới.