Cáo buộc về làn sóng bài ngoại đang gia tăng nhanh chóng sau những gì xảy ra tại khu "Tiểu Phi" ở Quảng Châu, nơi 5 người Nigeria có liên quan tới một nhà hàng cho kết quả dương tính với virus corona.
Nhiều nước châu Phi đã chính thức bày tỏ sự phản đối với Bắc Kinh trước thông tin rằng công dân châu Phi đang phải ngủ trên đường sau vì bị đuổi ra khỏi nhà hoặc khách sạn, hoặc bị ép buộc cách ly, dù họ không có liên hệ nào với những người vừa đến từ nước ngoài.
Cuối ngày 12/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo tái khẳng định cam kết trước đó rằng công dân châu Phi ở Quảng Châu không trở thành mục tiêu bị phân biệt đối xử.
"Chính phủ Trung Quốc đã luôn đề cao việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe và sự an toàn của người nước ngoài ở Trung Quốc", người phát ngôn Triệu Lập Kiên nói trong thông cáo, bình luận thứ hai của ông về sự việc trong 5 ngày.
Người châu Phi trên một con đường ở Quảng Châu. Ảnh: AFP. |
"Chúng tôi đối xử bình đẳng với mọi công dân nước ngoài, phản đối bất kỳ hành vi phân biệt nào nhằm vào các nhóm người cụ thể và không dung thứ cho những lời lẽ và việc làm mang tính phân biệt đối xử", ông nói thêm.
"Quảng Đông đã có những thu xếp đặc biệt, sắp xếp nơi ăn chốn ở phù hợp và đã điều trị thành công một số bệnh nhân người châu Phi bệnh nặng, đảm bảo sự an toàn và sức khỏe ở họ ở mức cao nhất".
Thị trưởng Quảng Châu Wen Guohui cũng tổ chức họp báo hôm 12/4 để bác bỏ những cáo buộc rằng cộng đồng người châu Phi, vốn tương đối lớn, ở thành phố đang bị phân biệt đối xử trong việc điều trị bệnh.
"Những biện pháp này, bao gồm xét nghiệm và cách ly 2 tuần, áp dụng cho toàn bộ người đến từ nước ngoài, cả công dân Trung Quốc và công dân nước khác, và hoàn toàn không chỉ nhắm vào người nước ngoài", ông nói.
Theo thị trưởng, hiện có 30.768 người nước ngoài đang sống tại thành phố, bao gồm 4.553 người châu Phi. Trong đó, 4.600 người được xem là có nguy cơ cao lây nhiễm virus và đã được theo dõi chờ kết quả xét nghiệm.