Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người gốc Phi ở TQ bị xua đuổi, phải ngủ trên phố vì nghi nhiễm virus

Nhiều người châu Phi tại Quảng Châu, Thành Đô, Thâm Quyến trở thành nạn nhân phân biệt chủng tộc, bị đuổi khỏi nhà trọ và là đối tượng cách ly bắt buộc trong dịch Covid-19.

CNN hôm 12/4 cho biết nhiều người thuộc cộng đồng gốc Phi ở thành phố Quảng Châu đã bị chủ nhà trọ trục xuất hoặc bị các khách sạn từ chối cho thuê phòng, dù không di chuyển tới vùng có dịch cũng như không tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Bị xua đuổi sau ca nhiễm nhập khẩu

Những người gốc Phi được phỏng vấn cho biết đã không có nơi để lưu trú, đồng thời trở thành đối tượng bị xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên. Một số người không bị đuổi khỏi nhà bị yêu cầu tự cách ly 14 ngày, dù không có triệu chứng hoặc tiếp xúc với người nhiễm Covid-19.

Theo bài viết của CNN, nhiều người cho biết thái độ "thù địch", thiếu thân thiện từ phía cư dân bản địa ở Quảng Châu đối với cộng đồng gốc Phi đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, khi các ca nhiễm virus corona xuất hiện trong cộng đồng này hồi đầu tháng 4, sự thù địch càng được nhân lên.

nguoi chau Phi bi xua doi vi virus anh 1

Người châu Phi ngủ trên đường phố ở Quảng Châu. Ảnh: CNN.

Hôm 7/4, nhà chức trách Quảng Châu cho biết 5 người Nigeria đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Do lo ngại ổ dịch bùng phát, chính quyền Quảng Châu đã nâng cấp mức cảnh báo nguy cơ dịch bệnh ở các quận Việt Tú và Bạch Vân, nơi nhiều người gốc Phi sinh sống.

Nhà chức trách Quảng Châu hôm 7/4 cũng xác nhận 111 ca nhiễm Covid-19 trở về từ nước ngoài được phát hiện, với 28 người từ Anh và 18 người từ Mỹ.

Hôm 11/4, Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Quảng Châu cảnh báo công dân Mỹ gốc Phi tránh đi tới thành phố này, đồng thời thông báo về tình trạng một số nhà hàng và khách sạn từ chối phục vụ người gốc Phi.

"Để đối phó với sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19, các quan chức ở thành phố Quảng Châu đã tăng cường kiểm tra đối với người nước ngoài. Một phần của chiến dịch này là cảnh sát yêu cầu các quán bar, nhà hàng không phục vụ người gốc Phi", thông báo có đoạn.

Tổng lãnh sự quán Mỹ cũng cho biết nhân viên công vụ tại Quảng Châu tiến hành xét nghiệm Covid-19 bắt buộc, sau đó là tự cách ly bắt buộc, với những người tiếp xúc với người gốc Phi, bất kể lịch sử di chuyển hay giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly trước đó.

Vô gia cư ở Quảng Châu

Hôm 21/3, một thương nhân người Nigeria tên Chuk bay trở lại Quảng Châu, nơi sinh sống của ông từ năm 2009. Trong bối cảnh dịch bệnh dường như đã được kiểm soát ở Trung Quốc, Chuck muốn tái khởi động công việc buôn bán trước đó đã phải tạm dừng vì dịch bệnh.

Chuk trở về Quảng Châu 7 ngày trước khi Trung Quốc đóng cửa biên giới với phần lớn người nước ngoài, nhưng khi hạ cánh, người đàn ông được yêu cầu phải tới cách ly tại một khách sạn do chính phủ chỉ định trong 2 tuần.

Là một thương nhân thường xuyên di chuyển, Chuk đã quá quen với việc lưu trú ở khách sạn. Ngày 7/4, Chuk hoàn thành thời gian cách ly với giấy chứng nhận sức khỏe. Lúc này, ông cùng một nhóm 15 người châu Phi khác trở thành vô gia cư do các khách sạn từ chối cho thuê phòng.

"Chúng tôi tới một khách sạn với giấy chứng nhận sức khỏe nhưng bị từ chối", Chuk nói. Khi nhóm này tới đồn cảnh sát để trình báo vụ việc, cảnh sát từ chối làm việc, thương nhân người Nigeria cho biết.

Sở cảnh sát Quảng Châu từ chối bình luận về vụ việc của nhóm người châu Phi nói trên.

Chuk cho biết đã phải ngủ trên phố trong 2 đêm liên tiếp, trước khi được một người bạn cho ngủ nhờ tại nhà. "Đêm đó và cả ngày hôm sau mưa rơi tầm tã, chúng tôi cũng đồ đạc đều ướt sũng", người đàn ông cho biết.

Trước đó, hình ảnh lan truyền trên mạng Internet cho thấy hàng dài người gốc Phi ngủ trên các tuyến phố ở Quảng Châu, bên cạnh họ là hành lý. Những người này cho biết họ bị đuổi khỏi nơi thuê nhà và bị khác sạn từ chối phục vụ.

nguoi chau Phi bi xua doi vi virus anh 2

Người châu Phi lang thang trên đường phố Quảng Châu vì không có nơi trú ngụ. Ảnh: CNN.

Hôm 9/4, khi liên hệ với 12 khách sạn ở Quảng Châu và đề nghị đặt phòng cho khách người châu Phi, các cơ sở này thông báo "không tiếp nhận thêm khách nước ngoài", hãng thông tấn CNN cho biết.

Hiện chưa có bằng chứng nhà chức trách Quảng Châu ra chỉ thị cho các chủ nhà hoặc khách sạn quay lưng với người nước ngoài. Một số nhân chứng cho biết động thái trên dường như là lựa chọn của các chủ nhà tư nhân hoặc chủ các khách sạn.

Hôm 8/4, thương nhân người Nigeria tên Nonso cho biết bản thân và bạn gái nhận được một bức thư từ chủ nhà trọ lúc 19h thông qua WeChat, ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc. Cặp đôi bị yêu cầu rời khỏi nhà trọ vào 20h cùng ngày.

"Tôi nói với chủ nhà là chúng tôi không thể kịp rời đi chỉ trong 1 giờ", Nonso cho biết. Người đàn ông phải trả 212 USD mỗi tháng cho căn hộ tại quận Nam Hải, ngoại ô Quảng Châu. Đây là nơi Nonso đã sống trong suốt 3 năm qua.

Theo lời kể của Nonso, chủ nhà trọ xuất hiện lúc 10 giờ và cắt toàn bộ điện, nước của căn hộ. "Tôi hỏi họ là tôi đã làm gì sai? Tôi đã trả đủ tiền thuê nhà tới tháng 9, cùng 2 tháng tiền đặt cọc. Họ không đưa ra bất cứ lý do gì", Nonso nói.

Người đàn ông liên hệ với cảnh sát nhờ trợ giúp, và được cho phép lưu lại căn hộ trong đêm đó. Tuy nhiên, chủ nhà trọ quay lại vào sáng hôm sau cùng một sĩ quan cảnh sát, người này yêu cầu cặp đôi rời khỏi căn hộ ngay lập tức. Nonso cho biết vẫn đang gặp khó khăn để tìm nơi ở mới.

"Chúng tôi đã liên hệ nhiều trung gian, không ai có thể giúp tìm được nhà cho người nước ngoài da đen", Nonso cho biết.

Chris Leslie, một người Nigeria khác, cho biết cũng bị trục xuất bất ngờ khỏi căn hộ của mình hôm 9/4. Leslie sau đó không có nơi nào để ngủ. "Thật là thảm hại. Tại một đất nước nơi người dân không chấp nhận và chỉ trích bạn, điều này là sự sỉ nhục cay đắng. Điều quan trọng nhất là có một nơi để ngủ".

Trong ngày 9/4, xuất hiện nhiều nhóm tình nguyện viên trên WeChat, chủ yếu là do người nước ngoài lập ra, kêu gọi trợ giúp người gốc Phi bị mất nhà. Các nhóm này hỗ trợ đồ ăn, khẩu trang và sản phẩm vệ sinh cho những người không có nơi trú chân ở Quảng Châu.

Katie Smith, một công dân Mỹ, cho biết đã đưa hai lượt hàng tiếp tế tới nững người bạn mất nhà gốc Phi.

"Là người da đen sống ở Trung Quốc vào lúc này thật đáng sợ. Đừng dùng cộng đồng người châu Phi làm con dê tế thần cho đại dịch", một tình nguyện viên giấu tên cho biết.

Phân biệt đối xử với ca nhiễm nhập khẩu

Từ khi 5 người Nigeria nhiễm Covid-19 được phát hiện, người châu Phi tại Quảng Châu đã được yêu cầu tiến hành xét nghiệm y tế tại gia, bất kể lịch sử di chuyển và không có tiếp xúc với ca bệnh.

Maano Gaasite, sinh viên quốc tế từ Botswana đang học tại Đại học Quảng Châu, cho biết nhận được tin nhắn từ quản lý khóa học lúc 3 giờ sáng 5/4. Gaasite được yêu cầu tiến hành xét nghiệm y tế dù không rời khỏi Trung Quốc trong 6 tháng qua.

"Khi tới nơi, tôi nhận ra chỉ có sinh viên gốc Phi. Có một số sinh viên Ấn Độ học cùng tôi nhưng họ không bị triệu tập. Chỉ có một cộng đồng nhỏ sinh viên gốc Phi", Gaasite cho biết.

Nhân viên y tế lấy dịch từ cuống họng của Gaasite, cho biết sẽ liên hệ nếu kết quả dương tính với virus corona. Du học sinh Nigeria sau đó không nhận được phản hồi từ nhà chức trách.

Trong khi đó, tại thành phố Thâm Quyến cách Quảng Châu 140 km, một người Senegal tên Youssouf cho biết nhà chức trách tìm đến căn hộ của mình lúc 13h ngày 8/4. Cùng sống tại khu nhà là người nước ngoài từ nhiều quốc gia khác.

nguoi chau Phi bi xua doi vi virus anh 3

Cảnh sát Trung Quốc tìm tới nhà hai công dân Ghana. Ảnh: CNN.

"Họ gõ cửa. Một người chìa ra chiếc điện thoại có đầy đủ thông tin địa chỉ, họ tên và quốc gia quê nhà của tôi", Youssouf nói. Người đàn ông yêu cầu Youssouf tới bệnh viện lúc 17h cùng ngày để xét nghiệm.

Khi Youssouf hỏi họ có muốn người vợ quốc tịch Canada của mình cũng tới xét nghiệm hay không, nhân viên công vụ Trung Quốc cho biết "không cần thiết" bởi họ chỉ xét nghiệm người châu Phi. Hai vợ chồng Youssouf đều không rời khỏi Trung Quốc trong 12 tháng qua.

"Người châu Phi không được chào đón ở Trung Quốc, tại đây chúng tôi bị phân biệt đối xử liên tục", Youssouf nói.

Người gốc Phi ở Trung Quốc từ lâu đã là nạn nhân của phân biệt chủng tộc. Trong một chương trình âm nhạc phát sóng toàn quốc, một nghệ sĩ Trung Quốc thậm chí hóa trang với khuôn mặt đen.

Phong tỏa người châu Phi

Vào cuối tháng 2, Katie Smith, người Mỹ, và bạn trai người Morocco có chuyến du lịch tới Malaysia. Hai người lần lượt trở về Trung Quốc vào 17/3 và 25/3, sau đó được yêu cầu cách ly 14 ngày.

Hôm 9/4, nhà chức trách y tế tới căn hộ nơi hai người sinh sống và yêu cầu bạn trai của Smith tự cách ly thêm 14 ngày tại gia bởi mọi người châu Phi tại thành phố bị cách ly, Smith cho biết.

Smith cho biết sếp nơi cô đang làm việc, một trường quốc tế ở Quảng Châu, được thông báo tất cả người châu Phi sẽ bị cách ly, do cơ sở này có vài nhân viên người Nam Phi. Những người bị yêu cầu cách ly tại gia cho biết cảnh sát đặt báo động ở cửa nhà họ, tín hiệu báo động sẽ vang lên nếu họ rời khỏi nhà.

Smith được thông báo cô có thể lựa chọn rời khỏi căn hộ nơi cô sống chung với bạn trai để tránh bị cách ly. "Có tâm lý phẫn nộ ở Quảng Châu, rằng nhiều người châu Phi ở đây bất hợp pháp và quá thời hạn. Đang có sức ép buộc họ phải rời khỏi Quảng Châu. Đây có thể là cách để buộc cộng đồng rời đi", Smith cho biết.

Trong khi đó, một người Nam Phi là Peter Busari cho biết cảnh sát tìm tới căn hộ của ông và yêu cầu xét nghiệm y tế hôm 8/4. Trong buổi làm việc, nhà chức trách đã yêu cầu Busari cho xem hộ chiếu và kiểm tra visa.

Hôm 9/4, xuất hiện thông tin một số người châu Phi khác cũng bị làm phiền bên ngoài Quảng Châu. Một gia đình Ghana ở Bắc Kinh đã bị cảnh sát yêu cầu rời khỏi nơi cư trú, dù không có lịch sử di chuyển và không tiếp xúc với người bệnh.

Đại sứ quán Ghana ở Bắc Kinh xác nhận vụ việc và thông báo hai công dân nước này đang phải tìm nơi cư trú.

nguoi chau Phi bi xua doi vi virus anh 4

Nhà hàng châu Phi tại nơi đông người gốc Phi sinh sống phát hiện 5 ca nhiễm Covid-19. Ảnh: CNN.

"Vì sao chúng tôi lại bị phân biệt đối xử như vậy? Không có người Trung Quốc ở châu Phi hay sao?", một người châu Phi chất vấn cảnh sát Trung Quốc trên đường phố Quảng Châu.

Câu hỏi xuất hiện như ám chỉ việc người châu Phi bị phân biệt đối xử có thể có liên quan tới mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các chính phủ ở châu Phi, nơi tâm lý bài Trung Quốc bắt đầu âm ỉ.

Trên mạng xã hội Twitter, một tài khoản nhân mạnh Kenya đã cho phép máy bay Trung Quốc hạ cánh ở thủ đô Nairobi khi dịch bệnh lên tới đỉnh điểm ở quốc gia Đông Á, nhưng thịnh tình ấy không được đền đáp xứng đang ở Quảng Châu khi virus bắt đầu lan tới châu Phi.

Tối ngày 9/4, Bộ tưởng Ngoại giao Nigeria Geoffrey Onyeama chia sẻ trên Twitter cho biết đã giao thiệp với Đại sứ Trung Quốc Zhou Pingjian để bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc về cáo buộc đối xử bất công đối với người Nigeria ở Quảng Châu".

Trung Quốc từ lâu đã xây dựng hình ảnh là bạn bè tốt với các nước châu Phi, kể cả trong thời gian chống đại dịch. Li Mingzhu, quan chức thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, đầu tháng 4 cho biết Trung Quốc đã gửi nhiều đội y tế tới các nước châu Phi trong 57 năm qua và sẽ tiếp tục động thái này nhằm nâng cao năng lực chống Covid-19 của các nước đối tác.

Roberto Castillo, phó giáo sư tại Đại học Lĩnh Nam, Hong Kong, cho rằng một trong các lý do phía sau động thái mạnh tay với người châu Phi ở Quảng Châu là bởi Trung Quốc không tin tưởng vào số liệu ca nhiễm Covid-19 thấp như nhiều nước châu Phi công bố. Tuy nhiên, Bắc Kinh không thể công khai vấn đề này do quan hệ ngoại giao.

"Tình hình đã rất hỗn loạn về mặt quan hệ công chúng đối với Trung Quốc", ông Castillo nói.

Các nhà thờ vắng lặng khắp toàn cầu dù 3 tôn giáo chính bắt đầu đại lễ

Bất chấp đang là thời điểm diễn ra lễ Phục sinh, lễ Quá hải và tháng lễ Ramadan, các nhà thờ khắp thế giới vắng bóng người viếng thăm do nhiều quốc gia áp lệnh phong tỏa.

Hòn đảo du lịch nổi tiếng Thái Lan trở thành điểm nóng dịch bệnh

Nhà chức trách Thái Lan phong tỏa Phuket nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, khiến hòn đảo từng là tâm điểm du lịch của khu vực Đông Nam Á trở nên vắng lặng chưa từng có.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm