Lễ Phục sinh, lễ Quá hải và khởi đầu của tháng ăn chay Ramadan năm nay đều rơi vào tháng 4. Thông thường, đây sẽ là thời gian hàng triệu tín đồ thuộc các tôn giáo lớn khắp nơi trên thế giới tề tựu cùng nhau cầu nguyện hoặc họp mặt gia đình. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động này gặp trở ngại lớn. Trong ảnh, buổi lễ được tổ chức tại nhà thờ không có tín đồ tới tham dự ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters. |
Để ngăn đại dịch lây lan, các biện pháp phong tỏa quy mô lớn đã được triển khai. Lần đầu tiên trong lịch sử, người ta chứng kiến các buổi thánh lễ được tổ chức bên trong những nhà thờ trống người khắp toàn cầu. Trong ảnh, nhà thờ không một bóng tín đồ tại Worcester, bang Massachusetts. Ảnh: Reuters. |
Bên trong Nhà thờ Đức bà ở thủ đô Paris, Đức cha Michel Aupetit đã tổ chức buổi lễ "Thứ sau tốt lành" với chỉ một nhóm các linh mục, phía sau là những dãy ghế trống trơn, khi các tín đồ bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa. Các nữ tu trong sự kiện tổ chức ở một nhà thờ tại Librino, Italy. Ảnh: Reuters. |
Tại khu thành cổ ở Đông Jerusalem, các tu sĩ phải đeo khẩu trang khi tiến hành nghi lễ đi dọc con đường Via Dolorosa, được cho là con đường chúa Jesus đã đi đến nơi bị đóng đinh. Trước đó, hàng triệu người Do Thái khắp thế giới đã kỷ niệm Lễ Quá hải qua ứng dụng Zoom, thay vì tụ tập nhiều thế hệ gia đình quanh bàn ăn. Nhà chức trách Israel cũng đã siết chặt các biện pháp phong tỏa và áp dụng lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Trong ảnh, một giáo sĩ Do Thái bên ngoài nhà thờ ở Đông Jerusalem. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Saudi Arabia đã đình chỉ hoạt động hành hương thường diễn ra quanh năm. Đồng thời, nhà chức trách Saudi Arabia yêu cầu các tín đồ Hồi giáo hoãn kế hoạch tới thăm các thánh địa Mecca và Medina cho cuộc hành hương Hajj thường diễn ra vào tháng 7 và tháng 8 mỗi năm. Nhiều quan ngại đã được đặt ra về khả năng tổ chức sự kiện trong bối cảnh Covid-19 lan rộng. Trong ảnh, nữ tu tại nhà thờ ở Ciudad Juarez, Mexico. Ảnh: Reuters. |
Emile Durkheim, nhà xã hội học người Pháp sống từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, từng nói rằng nền tảng cơ bản của tôn giáo là thu hút các cộng đồng dân cư cùng tập trung và thực hiện các nghi lễ. Theo AFP, đại dịch đang tấn công vào chính cốt lõi đó. Sự lây lan của virus đã làm suy yếu bản chất cộng đồng của các hoạt động tôn giáo, khi những nhóm tôn giáo không tuân thủ giãn cách xã hội đã để lại nhiều hậu quả về y tế như tại Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia. Trong ảnh, nhà thờ vắng bóng tín đồ ở La Paz, Bolivia. Ảnh: Reuters. |
Đối với các chính trị gia dân túy, giáo sư James Dorsey từ Đại học Rajaratnam, Singapore, cho rằng đại dịch Covid-19 đã đe dọa tới gốc rễ các cơ sở hỗ trợ tôn giáo và chính sách phân biệt đối xử nhắm tới các tôn giáo và nhóm thiểu số. Ảnh: Reuters. |