Người mua nhà tại Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ các kế hoạch giải cứu bất động sản của chính quyền. Ảnh: China Daily. |
Kế hoạch 16 điểm là nước đi chiến lược của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ủy ban Quản lý Ngân hàng - Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) nhằm cứu vãn thị trường bất động sản đang ngày càng kiệt quệ.
Các sáng kiến bao gồm việc giải quyết cuộc khủng hoảng thanh khoản của doanh nghiệp và “tạm thời” nới lỏng các hạn chế về vay ngân hàng. Trong đó, kế hoạch có 3 điểm hướng tới trực tiếp đối tượng người mua nhà. Động thái này của giới chức Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tạo được sức bật cho thị trường và kích thích nhu cầu mua nhà của người dân.
Người dân có thêm cơ hội mua nhà
Các chính sách và quy định đối với khoản vay mua nhà của cá nhân đã được điều chỉnh để giảm thiểu áp lực tài chính cho người dân . Điều này được thể hiện tại các điểm số 2, 11 và 12 trong kế hoạch.
Trong đó, điểm 2 đã đề cập đến quy định mua nhà đối với cá nhân. Trong đó, giới chức tài chính cần hỗ trợ các chính quyền địa phương để đưa ra một mức sàn “hợp lý” về số tiền trả trước và lãi vay thế chấp của người mua nhà. Không chỉ vậy, người mới đến thành phố cũng được tạo điều kiện để sở hữu căn nhà đầu tiên nhờ những chính sách riêng được tối ưu hóa cho đối tượng này.
Kế hoạch 16 điểm là giải pháp cần thiết trong bối cảnh thị trường bất động sản tại Trung Quốc đang lao dốc. Ảnh: Bloomberg. |
Bên cạnh đó, tại điểm 11 của kế hoạch, các khoản vay thế chấp của người mua nhà cũng được các ngân hàng xem xét gia hạn nếu hợp đồng bị thay đổi, hủy bỏ hoặc người mua đang thất nghiệp vì Covid-19.
Cuối cùng, các quyết định liên quan đến việc hoàn trả tiền mua nhà cho người dân đã được giới chức Trung Quốc đưa ra trong điểm 12. Cụ thể, điểm tín dụng của người mua nhà cần được đảm bảo. Đây từng là vấn đề chính dẫn đến làn sóng ngừng trả nợ ngân hàng của người mua nhà ở Trung Quốc vào tháng 7 năm nay.
Theo The New York Times, sự ra đời của gói giải cứu 16 điểm là rất cần thiết trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 đạt mức kỷ lục tại Trung Quốc vào tuần trước. Đợt bùng phát dịch bệnh này đã tạo ra một làn sóng phong tỏa nghiêm ngặt và làm gián đoạn nhiều hoạt động kinh doanh, sản xuất. Điều này dẫn đến việc người dân phải tiếp tục sống trong cảnh “thắt lưng buộc bụng” và không còn mặn mà với các căn hộ chung cư được mời chào bởi các sàn giao dịch.
Nguồn tin từ CNN cho biết các nhà phân tích đánh các động thái giải cứu thị trường bất động sản vẫn chưa thể tác động rõ rệt đến niềm tin của người mua nhà. “Thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi”, các phân tích viên của Công ty Nomura cho biết trong một báo cáo nghiên cứu ngày 14/11.
Ngoài ra, họ cũng nhận định rằng các biện pháp mới nhất có thể sẽ “ít tác động trực tiếp” đến việc kích thích mua nhà do các chính sách “Zero Covid-19” hà khắc của Trung Quốc.
Ám ảnh từ làn sóng ngừng trả nợ
Hiện giới chức Trung Quốc đang phải gánh chịu sức ép từ việc phải xây dựng lại niềm tin của công chúng vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là sau làn sóng ngừng trả nợ ngân hàng của người dân vào tháng 7 năm nay. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho nhiều điểm trong kế hoạch mới nhắm trực tiếp tới các điều khoản khoản vay ngân hàng của người mua nhà.
Trước đó, tình hình thị trường bất động sản Trung Quốc đã rơi vào tình cảnh hỗn loạn vào tháng 7 năm nay. Nhiều người mua nhà từ chối trả tiền vay ngân hàng khi chủ đầu tư kéo dài thời gian hoàn thành các dự án.
Ngành bất động sản Trung Quốc liên tục gặp nhiều tin xấu trong năm nay. Ảnh: Bloomberg. |
Dữ liệu của Công ty Citigroup cho biết khách hàng của 35 dự án tại 22 thành phố ở Trung Quốc đã quyết định dừng thanh toán các khoản vay từ ngày 12/7. Theo Bloomberg, làn sóng này làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng bất động sản tại quốc gia này và gây rủi ro nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng.
Chuyên gia phân tích Griffin Chan đến từ Công ty Citigroup nhận định các khoản nợ xấu từ việc từ chối trả tiền vay mua nhà có thể lên tới 561 tỷ nhân dân tệ, khoảng 83 tỷ USD. Con số này chiếm khoảng 1,4% tổng dư nợ cho vay bất động sản tại Trung Quốc.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản. “Cứu thị trường bất động sản là cứu nền kinh tế”, bà Han Xiuyun, Phó giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa, bình luận.
Nhiều hoạt động đã được giới chức Trung Quốc triển khai, bao gồm việc cắt giảm lãi suất, khuyến khích các ngân hàng lớn tăng khoản tài trợ 1.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 140 tỷ USD, để phát triển bất động sản, thế chấp, mua bán, sáp nhập, cung cấp tài chính cho đầu tư trái phiếu. Đồng thời, các ngân hàng chính sách cũng được yêu cầu cung cấp các khoản vay đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án và sớm bàn giao nhà cho người dân.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...