Theo Bloomberg, các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ tài chính ít nhất 1.280 tỷ nhân dân tệ, tương đương 179 tỷ USD, cho các nhà phát triển bất động sản nhằm xoa dịu tình trạng hỗn loạn của thị trường trong nước.
Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) - ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo giá trị tài sản - sẽ dẫn đầu kế hoạch này. Cuối tuần trước, ICBC cùng Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Trung Quốc (BoC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Giao thông (BOCOM) và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc (PSBC) tuyên bố cung cấp khoản tín dụng trị giá 655 tỷ nhân dân tệ cho 12 công ty bất động sản
Giá cổ phiếu và trái phiếu bất động sản nhanh chóng tăng nhờ nguồn hỗ trợ bổ sung. Ưu tiên của Trung Quốc là đảm bảo hoàn thành các dự án, đồng thời hỗ trợ các công ty vẫn sống sót sau cuộc khủng hoảng.
Trước đó, Trung Quốc từng có một cuộc siết chặt thị trường vốn, gây ra hàng chục vụ vỡ nợ và khiến doanh số bán lẫn giá bất động sản sụt giảm.
“Cốt lõi của chính sách này là xây dựng một bức tường ngăn giữa những công ty đã vỡ nợ và chưa vỡ nợ”, Li Kai, nhà sáng lập Beijing Shengao Fund Management, nhận định.
6 ngân hàng lớn tại Trung Quốc đồng loạt bơm tiền hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: Bloomberg. |
Tuy nhiên, tập đoàn China Evergrande và Sunac China Holding không được tiếp cận dòng vốn bơm từ ngân hàng.
Chính sách mới được đưa ra sau khi giới chức nước này ban hành kế hoạch 16 điểm vào đầu tháng cho các công ty tài chính nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản. Trong đó gồm các biện pháp như gia hạn khoản vay cho doanh nghiệp địa ốc, thúc đẩy doanh số bất động sản thông qua giảm khoản tiền thanh toán trước, cắt giảm lãi suất, thúc đẩy những kênh huy động như phát hành trái phiếu, và đảm bảo việc giao nhà cho khách hàng.
Một trong những thay đổi lớn nhất là cho phép nới lỏng "tạm thời" các hạn chế đối với việc cấp tín dụng cho những doanh nghiệp bất động sản. Đây là những chính sách được coi là tín hiệu giải cứu mạnh nhất của giới chức Bắc Kinh.
Đại diện Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) cho biết kể từ đó, các ngân hàng quốc doanh lớn đã thiết lập cơ chế đặc biệt cho các nhà phát triển đủ điều kiện kéo dài thời gian đáo hạn khoản vay. Các ngân hàng cũng mở rộng các dịch vụ tài chính để hỗ trợ hoạt động mua lại các dự án rủi ro cao từ nhà phát triển lớn.
Vị này tiết lộ thêm một số ngân hàng cổ phần đã cho phép người vay thế chấp trì hoãn việc trả nợ mà không cần phân loại lại các khoản vay.
Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã thành lập một quỹ trị giá 30 tỷ nhân dân tệ để mua lại tài sản từ các nhà phát triển. Quỹ này đã tiếp cận được 20 dự án với tổng tài sản vượt 10 tỷ nhân dân tệ.
Trước đó, Bloomberg đưa tin các ngân hàng Trung Quốc nhận được yêu cầu tài trợ ít nhất 1.000 tỷ nhân dân tệ trong những tháng cuối năm 2022 cho lĩnh vực bất động sản để kìm hãm sự ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn bị đè nặng bởi các đợt phong tỏa do Covid-19.
Đại diện CBIRC cho biết ngành công nghiệp đã phát hành khoản vay trị giá 2.640 tỷ nhân dân tệ cho các nhà phát triển và 4.840 tỷ nhân dân tệ cho các khoản thế chấp trong 10 tháng đầu năm nay.
Tại một cuộc họp với các ngân hàng, Ngân hàng Trung Quốc thông báo kế hoạch cung cấp 200 tỷ nhân dân tệ cho các ngân hàng thương mại vay lại không lãi suất cho đến cuối tháng 3 để cung cấp vốn phù hợp cho các dự án bất động sản bị đình trệ.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...