Trung Quốc đang phản ứng lại những câu hỏi về vaccine Covid-19 của nước này và lời chỉ trích về cách chống dịch giai đoạn đầu bằng cách ủng hộ thuyết âm mưu, AP đưa tin.
Một số thuyết âm mưu được đón nhận rất tích cực ở Trung Quốc. Từ khóa #American’sFt.Detrick, do Đoàn Thanh niên nước này khởi xướng trên mạng xã hội, thu hút 1,4 tỷ lượt xem.
Từ khóa này xuất hiện vào tuần trước, sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra phòng thí nghiệm vũ khí sinh học Fort Detrick ở Maryland, Mỹ.
Người dân đang được tiêm vaccine Covid-19 ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Trong động thái mới nhất, truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi điều tra về cái chết của 23 người cao tuổi ở Na Uy sau khi họ tiêm vaccine Pfizer. Người dẫn chương trình tại CGTN, kênh tiếng Anh của đài truyền hình nhà nước CCTV, và tờ Global Times cáo buộc truyền thông phương Tây phớt lờ tin tức này.
Chuyên gia y tế nói các trường hợp tử vong không liên quan đến vaccine có thể xảy ra trong chiến dịch tiêm chủng hàng loạt. Hội đồng của WHO cũng kết luận rằng vaccine không “có vai trò” trong các ca tử vong ở Na Uy.
Trung Quốc có động thái trên sau khi các nhà nghiên cứu ở Brazil phát hiện ra hiệu quả của vaccine Trung Quốc thấp hơn so với công bố trước đó. Ban đầu, vaccine của công ty Trung Quốc Sinovac được báo cáo là có hiệu quả 78%. Tuy nhiên, sau khi các nhà khoa học tính cả các trường hợp có triệu chứng nhẹ, tỷ lệ này bị giảm còn 50,4%.
Sau thông tin từ Brazil, các nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Chiến lược Australia nhận thấy có sự gia tăng trong thông tin sai lệch về vaccine trên truyền thông Trung Quốc.
Trung Quốc đang cố gắng gây nghi ngờ về vaccine Pfizer để cứu lấy thể diện và quảng bá vaccine của họ, Fang Shimin, cây bút hiện sống ở Mỹ nổi tiếng với việc vạch trần bằng cấp giả và gian lận trong giới khoa học Trung Quốc, nói với AP.
Các quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc cũng không ngần ngại bày tỏ sự nghi ngờ về vaccine mRNA do các công ty dược phẩm phương Tây phát triển. Vaccine mRNA sử dụng công nghệ mới hơn so với phương pháp truyền thống của các loại vaccine Trung Quốc.
Tháng 12/2020, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, Gao Fu, nói ông không loại trừ tác dụng phụ tiêu cực từ việc tiêm vaccine mRNA.
Ông Gao lưu ý rằng đây là lần đầu tiên vaccine được tiêm cho những người khỏe mạnh, nên "có những lo ngại về an toàn".
Vaccine mRNA của Pfizer và một vaccine khác do công ty Mỹ Moderna phát triển đã vượt qua các cuộc thử nghiệm trên động vật và hơn 70.000 người để chứng minh sự an toàn.
Trong tuần này, các nhà nghiên cứu trong nhóm điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO cử đến Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu công việc trên thực địa sau 14 ngày cách ly.