Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc thử nghiệm đầu đạn thách thức hệ thống phòng thủ Mỹ

Đầu đạn siêu thanh DF-17 bay với tốc độ lên đến hàng chục nghìn kilomet mỗi giờ có thể khiến hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ bất lực trong việc đánh chặn.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, đầu đạn siêu thanh mới không chỉ thách thức lá chắn tên lửa của Mỹ mà còn có thể tấn công các mục tiêu quân sự chính xác ở Ấn Độ và Nhật Bản, SCMP cho hay. Loại đầu đạn mới này sẽ khiến cuộc đua vũ khí siêu thanh giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên khốc liệt hơn.

Theo tạp chí Diplomat của Nhật Bản, Trung Quốc đã tiến hành 2 cuộc thử nghiệm với đầu đạn này vào cuối năm 2017. Đầu đạn mới được gọi là “tàu lượn siêu thanh” (HGV), hoặc DF-17, nguồn tin tình báo Mỹ cho hay.

HGV là phương tiện bay không người lái được phóng lên không trung bằng tên lửa. Khi đạt đến độ cao nhất định, nó tách khỏi thân tên lửa và lướt trong khí quyển với tốc độ chóng mặt. So với đầu đạn của các tên lửa thông thường, HGV có thể di chuyển với tốc độ nhanh hơn, độ cao thấp và quỹ đạo rất khó theo dõi. Cách tiếp cận này khiến hệ thống phòng thủ có rất ít thời gian để đánh chặn.

Lực lượng Tên lửa chiến lược Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm DF-17 lần đầu tiên vào ngày 1/11, lần thứ 2 sau 2 tuần, nguồn tin cho biết. Hai lần thử nghiệm đều thành công và DF-17 có thể được đưa vào sử dụng từ năm 2020. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết DF-17 là mô hình vũ trang từ nguyên mẫu đầu đạn siêu thanh DF-ZF trước đó.

Tau luon sieu thanh anh 1
Tàu lượn siêu thanh DF-17 được thử nghiệm trong hầm gió. Ảnh: SCMP.

DF-17 đã được thử nghiệm tại trung tâm phóng Tửu Tuyền ở Nội Mông và bay khoảng 1.400 km. Trong tháng 10, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã công bố cảnh quay HGV đang thử nghiệm trong hầm gió.

Song Zhongping, cựu sĩ quan lực lượng Tên lửa chiến lược Trung Quốc, cho biết HGV có thể lắp trên nhiều loại tên lửa đạn đạo khác nhau, bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Ông cho biết thêm HGV có thể sử dụng trên ICBM DF-41, tầm bắn 12.000 km và có thể tấn công bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Mỹ chỉ trong một giờ.

Antony Wong Dong, quan sát viên quân sự ở Macau, nói rằng HGV có thể sử dụng để tiêu diệt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. THAAD đang được triển khai tại Hàn Quốc dẫn đến đợt căng thẳng ngoại giao chưa từng có với Trung Quốc.

“HGV của Trung Quốc có thể phá hủy hệ thống radar cảnh báo sớm của THAAD khiến Mỹ không phát hiện sớm vụ phóng ICBM, dẫn đến không đủ thời gian để triển khai giải pháp đánh chặn”, ông Wong nói.

Nhà phân tích Zhou Chenming ở Bắc Kinh nói công nghệ HGV đã trở thành một phần của chiến lược răn đe hạt nhân giữa 3 cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc. “Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ nên lo lắng về sự phát triển HGV của Trung Quốc, vì nó có thể tấn công mục tiêu nhanh và chính xác hơn”, ông Zhou nói.

Mỹ và Nga cũng đang phát triển công nghệ HGV nhưng Washington dường như tụt hậu so với Bắc Kinh và Moscow trong một số lĩnh vực. Mỹ tập trung quá nhiều vào máy bay siêu thanh tiên tiến và làm chậm sự phát triển của HGV trong nhiều năm, ông Zhou nhận xét.

Dân Mỹ ngỡ ngàng vì tên lửa Trung Quốc bay qua bầu trời Tối 27/7, người dân Mỹ xôn xao khi thấy vệt sáng trên bầu trời do tên lửa CZ-7 của Trung Quốc tạo thành trong quá trình nó quay trở lại bầu khí quyển gần khu vực bang Utah.

Trung Quốc dùng robot ở nhà máy đạn thay công nhân

Trung Quốc đang ứng dụng robot điều khiển bằng trí thông minh nhân tạo trong dây chuyền sản xuất đạn để đẩy nhanh tốc độ và tăng cường sự chính xác trong quá trình chế tạo.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm