Sau quần đảo Solomon, Trung Quốc đang tìm cách khuếch trương hơn nữa ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương thông qua đàm phán thỏa thuận an ninh với hai đảo quốc khác.
Mỹ và các đồng minh trong khu vực ngày càng lo ngại trước chiến thuật mới của Bắc Kinh, thông qua các thỏa thuận an ninh với các nước nhỏ để gia tăng chỗ đứng và hiện diện quân sự.
Mục tiêu mới sau Solomon
Lúc này, Trung Quốc đang thảo luận về một thỏa thuận hợp tác an ninh với Kiribati, theo Financial Times. Quốc gia quần đảo này chỉ cách Hawaii, nơi đặt căn cứ Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, khoảng 3.000 km.
"Họ đang đàm phán với Kiribati và ít nhất một quốc gia khác ở Thái Bình Dương về một thỏa thuận với nội dung khá tương tự so với những gì đã diễn ra tại quần đảo Solomon", quan chức tình báo một nước đồng minh của Mỹ cho biết.
Cảnh báo về động thái tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng từ Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu thăm châu Á.
Chuyến đi của ông chủ Nhà Trắng nhằm trấn an các đồng minh về cam kết an ninh của Mỹ với khu vực, nơi Bắc Kinh hành xử ngày càng quyết liệt và tham vọng hơn.
Đàm phán với Kiribati diễn ra sau khi Trung Quốc đạt được thỏa thuận với quần đảo Solomon. Chi tiết của thỏa thuận chưa được các bên công bố. Tuy nhiên, giới chức phương Tây lo ngại thỏa thuận này sẽ cho phép Trung Quốc xây căn cứ hải quân ngay tại vùng biển chiến lược sát Australia.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Tổng thống Kiribati Taneti Maamau. Ảnh: Getty. |
Theo một dự thảo từ tháng 3 bị ròi rỉ, thỏa thuận cho phép Trung Quốc gửi cảnh sát, thậm chí lực lượng quân sự, tới Solomon. Diễn biến này là một cú sốc với Mỹ và các đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương như Australia, New Zealand hay thậm chí Nhật Bản.
Một quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc từ lâu đã rất quan tâm tới vị trí của Kiribati.
"Họ đã thảo luận nhiều lần về chủ đề này, không phải chỉ mới vài tháng qua, mà có lẽ là nhiều năm", quan chức Mỹ nói, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập một vành đai chiến lược tại các nước ở Thái Bình Dương.
Giới chức phương Tây thực sự lo ngại thỏa thuận với Kiribati có thể chứa những điều khoản tương tự văn kiện đã ký với Solomon.
Bộ trưởng Ngoại giao Kiribati Michael Foon bác bỏ thông tin chính phủ nước này đang thảo luận thỏa thuận an ninh với bất cứ đối tác nào.
Tuy nhiên, lãnh đạo phe đối lập ở Kiribati là Tessie Eria Lambourne tuyên bố việc tiến quá nhanh trong quan hệ với Trung Quốc khiến người dân nước này lo ngại.
"Chúng ta là mục tiêu trong kế hoạch thiết lập hiện diện quân sự ở các vị trí chiến lược trong khu vực Thái Bình Dương", bà Lambourne cảnh báo.
Trong chuyến thăm Kiribati hôm 27/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và quan chức nước chủ nhà đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng và ứng phó biến đổi khí hậu, theo Nikkei Asia.
"Giúp các nước đang phát triển cũng là tự giúp mình", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Tham vọng toàn cầu của Trung Quốc
Trong một diễn biến khác cho thấy Bắc Kinh đang thúc đẩy hiện diện tại khu vực, Trung Quốc đã đạt thỏa thuận với Vanuatu hôm 20/5 nâng cấp sân bay quốc tế ở thành phố lớn thứ hai của đất nước là Luganville. Sân bay này từng là một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ trong Thế chiến 2.
Một quan chức chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington quan ngại "rất sâu sắc" về các thỏa thuận an ninh của Trung Quốc, trong đó có với Kiribati. Người này cảnh báo Trung Quốc có thể đang tiếp xúc với Tonga và Vanuatu về vấn đề tương tự.
"Trung Quốc dường như đang tìm cách mở rộng không gian họ có thể hoạt động quân sự và bán quân sự ở quy mô toàn cầu. Đây là điều cần quan tâm", quan chức Mỹ cho biết.
Theo Nikkei Asia, Bắc Kinh mới đây đã tung ra dự thảo tài liệu kết quả cuộc gặp với lãnh đạo 10 quốc gia Thái Bình Dương, trong đó có liên bang Micronesia. Dự thảo cho thấy Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác an ninh, bao gồm quan hệ song phương.
Một số nhà quan sát cho rằng muc tiêu lớn của Trung Quốc là phá hoại Hiệp định Liên minh tự do giữa Micronesia và Mỹ.
Thep hiệp định này, Micronesia cho phép Mỹ là quốc gia duy nhất đóng quân trên lãnh thổ nước mình, đổi lấy hỗ trợ kinh tế. Hiệp định dự kiến hết hạn vào 2023, tiến trình đàm phán gia hạn hiện chưa hoàn tất.
Đáng chú ý, đảo Yap của Micronesia chỉ cách Guam, nơi đặt hai căn cứ không quân và hải quân của Mỹ, chỉ khoảng 700 km. Nếu Trung Quốc hiện diện quân sự tại đảo Yap, hai căn cứ Mỹ ở Guam sẽ bị vô hiệu hóa.
Hải quân Trung Quốc đang tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động. Ảnh: AFP. |
Tại Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng đã ký các thỏa thuận an ninh với Fiji và Papua New Guinea. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho rằng thỏa thuận với Solomon ở quy mô sâu rộng hơn nhiều. Và với Kiribati, Bắc Kinh thậm chí có thể nuôi tham vọng lớn hơn, Washington lo ngại.
Trung Quốc từng vận hành một trạm theo dõi không gian ở Kiribati cho đến năm 2003, khi quốc đảo này thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan (Trung Quốc). Năm 2019, Kiribati từ bỏ Đài Loan và tái lập quan hệ với đại lục, làm dấy lên suy đoán khả năng khôi phục hoạt động tại trạm theo dõi không gian.
Các chuyên gia cho biết những bước tiến lớn về năng lực quân sự trong hai thập kỷ qua có thể giúp Hải quân và Không quân Trung Quốc tiến ngày một gần hơn tới Hawaii.
Trung Quốc cũng đang đàm phán với Kiribati về nâng cấp một đường băng tại đảo Kanton.
Masafumi Iida, chuyên gia về chiến lược hàng hải của Trung Quốc tại Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản, cho rằng sự quyết liệt của Bắc Kinh tại các đảo quốc Thái Bình Dương là một phần trong tổng thể nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu chiến lược là "kiềm chế các hoạt động quân sự của Mỹ".
Bộ Tứ, gồm Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ, đã lập tức bị đánh động. Tại cuộc họp nhóm Bộ Tứ tại Tokyo tuần qua, bốn nước chia sẻ lo ngại về hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại các vùng biển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ dành cho các đảo quốc Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm Fiji hôm 27/5, Ngoại trưởng Australia Penny Wong tuyên bố chính phủ mới của Australia quyết tâm có hành động quyết liệt về biến đổi khí hậu.
Ngay trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới Solomon, chính phủ New Zealand hôm 25/5 tuyên bố nước này sẽ gia hạn triển khai quân đội ở Solomon tới cuối tháng 5/2023.
Hồi đầu tháng 5, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã tới thăm Fiji và Palau, nhằm tăng cường liên kết với khu vực của Tokyo.