SCMP đưa tin, một nhóm tàu Hải quân Trung Quốc bao gồm 2 tàu khu trục và một tàu tiếp tế đã rời Tam Á, tỉnh Hải Nam, hôm 4/5 để tham gia các cuộc tập trận được tuyên bố là nhằm thúc đẩy khả năng sẵn sàng chiến đấu. Các tàu khu trục khác sẽ sớm tham gia cùng nhóm tàu trên.
Theo CCTV, mỗi chiến hạm của Trung Quốc mang theo 3 máy bay trực thăng và hàng chục lính đặc nhiệm, sẽ di chuyển qua khu vực Biển Đông, phía đông Ấn Độ Dương và phía tây Thái Bình Dương.
Tàu khu trục Lan Châu của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Cuộc tập trận lần này của Hải quân Trung Quốc cũng bao gồm lực lượng đồn trú phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng như Hạm đội Bắc Hải. Nước này gọi các cuộc tập trận này là sự kiện thường niên.
Một trong hai tàu khu trục kể trên là Hợp Phì, được trang bị tên lửa dẫn đường mới nhất thuộc lớp Type 052D. Hợp Phì bao gồm hệ thống radar tiên tiến, tên lửa các loại và hệ thống giảm phản hồi radar. Nó chính thức góp mặt trong biên chế Hải quân Trung Quốc trong tháng 12 năm ngoái.
Tàu khu trục thứ 3, chiếc Lan Châu thuộc lớp Type 052C, sẽ tham gia cuộc tập trận sau khi kết thúc diễn tập chống khủng bố chung với các nước ASEAN ở vùng biển gần Brunei và Singapore. Tuần trước, Lan Châu đã có “cuộc gặp gỡ thân thiện” với nhóm tàu tấn công do hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis dẫn đầu.
Nghê Lạc Hùng, chuyên gia bình luận quân sự ở Thượng Hải, cho rằng: “Trung Quốc đưa các tàu chiến hiện đại nhất vào biên chế Hạm đội Nam Hải nhằm phản ứng với các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông dù hai bên sẽ thận trọng để tránh sự cố. Trung Quốc muốn khoe sức mạnh cơ bắp”.
Trong khi đó, Thiếu tướng Quân đội Trung Quốc đã về hưu Từ Quang Dụ, nhà nghiên cứu cấp cao của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và Giải trừ quân bị Trung Quốc, nhấn mạnh, tàu chiến mới của Bắc Kinh tham gia tập trận vì chúng cần được thử nghiệm hoạt động trên biển, rèn luyện khả năng chiến đấu và phối hợp theo nhóm.
Các động thái của Trung Quốc diễn ra không lâu sau khi Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã thăm tàu sân bay USS John C. Stennis khi nó hoạt động ở vùng biển nằm cách đảo Luzon của Philippines 110 km về phía Tây.
Mỹ nhiều lần khẳng định dù không phải một bên trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nhưng Washington có những lợi ích chiến lược ở vùng biển huyết mạch này. Lầu Năm Góc nhiều lần cử chiến hạm và máy bay áp sát các thực thể Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Đây cũng là vùng biển được kỳ vọng có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt. Các đảo phi pháp mà Trung Quốc dựng lên trên 7 đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng hiện thực hóa yêu sách chủ quyền.
Phía Trung Quốc nhiều lần nhắc lại lập trường giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông nhưng trên thực tế Bắc Kinh liên tiếp có những hành động gây hấn, làm căng thẳng tình hình.