Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tại Bắc Kinh. Nguồn: CNBC. |
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang mở rộng bộ công cụ chính sách tiền tệ với mục đích kiểm soát thanh khoản hệ thống tài chính tốt hơn trong lúc tìm cách bổ sung thêm các đòn bẩy để hỗ trợ nền kinh tế, theo Bloomberg.
Trong một tuyên bố vào thứ Hai, PBoC cho biết sẽ tiến hành các giao dịch hợp đồng mua lại đảo ngược hoàn toàn (outright reverse repurchase agreements) với các nhà giao dịch chính hàng tháng với kỳ hạn không quá 1 năm. PBoC cho biết động thái này nhằm mục đích duy trì thanh khoản hợp lý trong hệ thống ngân hàng và làm phong phú thêm bộ công cụ điều hành chính sách tiền tệ.
PBoC giải thích “repo” là một hình thức vay ngắn hạn được sử dụng trên thị trường tiền tệ, bao gồm việc mua chứng khoán với thỏa thuận bán lại vào một ngày cụ thể. Trong đó, các chứng khoán sẽ bao gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương và nợ doanh nghiệp.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang trong quá trình cải tổ chính sách với mục tiêu cho phép ngân hàng này vận hành giống với các ngân hàng trung ương trên thế giới, đồng thời tác động hiệu quả hơn đến chi phí đi vay trên thị trường.
PBoC đã giảm vai trò điều hành của lãi suất cho vay trung hạn để chuyển sang sử dụng công cụ repo kỳ hạn 7 ngày làm đòn bẩy chính sách để gửi tín hiệu rõ ràng hơn cho thị trường.
Theo bà Becky Liu, người đứng đầu chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Standard Chartered Hong Kong, công cụ mới này có khả năng cung cấp nguồn thanh khoản tốt hơn cho thị trường liên ngân hàng và có thể hỗ trợ sự gia tăng dự kiến trong việc phát hành trái phiếu.
Bà Liu cũng cho biết công cụ mới của nhà điều hành kỳ vọng giúp các ngân hàng có thể nhận được thanh khoản dài hạn hơn. “PBoC có thể hỗ trợ các ngân hàng để tạo điều kiện cho việc gia tăng phát hành trái phiếu chính phủ trong tương lai”.
Trước đó, các chỉ số thị trường tiền tệ cho thấy các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với áp lực về nguồn vốn. Các tổ chức này đang bước vào mùa cao điểm cuối năm, có thể chứng kiến sự gia tăng nhu cầu tiền mặt. Đồng thời, các tổ chức này vẫn đang chờ các biện pháp kích thích tài chính tiềm năng, có thể bao gồm cả việc vay thêm từ chính phủ.
Đảm bảo có đủ thanh khoản trên thị trường ngân hàng là chìa khóa để hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu cầu trong nước và cuộc khủng hoảng bất động sản dai dẳng. Các nhà hoạch định chính sách đã tung ra một loạt gói kích thích lớn kể từ cuối tháng 9, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất và dự trữ tiền mặt tối thiểu với các ngân hàng.
Trung Quốc cũng dự kiến cho phép chính quyền địa phương phát hành thêm trái phiếu để tái cấp vốn cho khoản nợ ngoài bảng cân đối kế toán. Đồng thời, chính quyền trung ương cũng có khả năng bán thêm trái phiếu kho bạc để tài trợ cho nhiều khoản chi tiêu hơn. Điều này có thể làm cạn kiệt thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng trong những tháng tới, vì các ngân hàng thương mại là những người mua trái phiếu chính.
Báo cáo của Shanghai Securities News vào thứ Hai dẫn lời một nguồn tin thân cận với PBoC cho biết công cụ mới được kỳ vọng bổ sung thêm cho các công cụ điều hành thanh khoản hiện có của PBoC, bao gồm hợp đồng mua lại đảo ngược 7 ngày, khoản vay MLF kỳ hạn 1 năm, giao dịch trái phiếu chính phủ và điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Báo cáo cho biết PBoC có thể tiến hành các hoạt động mua lại đảo ngược hoàn toàn trong 3 hoặc 6 tháng. Điều này sẽ giúp bù đắp thanh khoản cho đợt đáo hạn các khoản vay MLF trong 2 tháng cuối năm.
Theo dữ liệu của Bloomberg, Trung Quốc hiện có khoảng 1.450 tỷ nhân dân tệ (204 tỷ USD) các khoản vay MLF sẽ đáo hạn trong tháng 11-12 tới.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.