Nguyên nhân chủ yếu của xu hướng đó lại đến từ chính Trung Quốc, theo bài bình luận đăng tải ngày 13/9 của chuyên gia phân tích quốc phòng Derek Grossman từ Rand Corporation, từng là cố vấn ở Lầu Năm Góc.
“Việc Bắc Kinh ngày càng táo bạo đối với Hong Kong, Đài Loan và các nước khác ở vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, và giờ đây là đối với Ấn Độ dọc theo dãy Himalaya, đã khiến các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có sự đồng thuận chưa từng có, cho rằng cách tiếp cận áp đặt của Trung Quốc là điều mà khu vực không hoan nghênh”, ông Grossman viết trên Nikkei Asian Review.
Một tàu hải cảnh của Trung Quốc ở Biển Đông tháng 5/2014. Ảnh: Reuters. |
Nhiều nước tăng cường hợp tác an ninh
Nhiều nước đang thắt chặt hợp tác an ninh với nhau trước mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc. “Nếu Bắc Kinh tiếp tục cứng rắn hơn, sẽ có thêm nhiều nước làm vậy (hợp tác an ninh), khiến Trung Quốc ngày càng bị cô lập”, ông bình luận.
Chẳng hạn, Bộ Tứ gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ liên tục khẳng định tầm quan trọng của trật tự thế giới dựa trên luật lệ, đồng thời tăng cường hợp tác an ninh.
Ngày 1/7, Bộ Quốc phòng Australia cập nhật chiến lược và cấu trúc lực lượng của mình theo hướng kiềm chế Trung Quốc. Ngày 14/7, Tokyo ra sách trắng quốc phòng thường niên, lên án các hành động đơn phương và liên tiếp của Trung Quốc nhằm “thay đổi hiện trạng trên vùng biển quanh quần đảo Senkaku bằng cách cưỡng ép”.
Sau các vụ đụng độ ở biên giới Trung - Ấn, ngay cả những người ủng hộ Trung Quốc tại Ấn Độ cũng chuyển sang lập trường cứng rắn.
Lính thủy đánh bộ Mỹ đang diễn tập ở Philippines tháng 4/2019. Ảnh: Reuters. |
Lo ngại của các nước Đông Nam Á
Malaysia hồi tháng 7 gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc bác bỏ công hàm trước đó của Trung Quốc về yêu sách ở Biển Đông.
Ở Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte hoãn việc ra quyết định có chấm dứt thỏa thuận quân sự với Mỹ hay không, một phần vì lo ngại sự táo bạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Indonesia ngày 22/7 có cuộc tập trận lớn trong khu vực, với thông điệp rõ ràng là muốn ngăn Trung Quốc tiếp tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta. Ngay cả Brunei vốn ít lên tiếng về vấn đề này thì vào ngày 20/7 cũng nhấn mạnh phải thượng tôn pháp luật, dựa vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để giải quyết tranh chấp.
Các hành xử của Bắc Kinh cũng khiến nhiều nước ngoài khu vực lên tiếng ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Nổi bật nhất là Anh và Pháp năm 2013 có các chuyến tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông để thách thức yêu sách của Trung Quốc. Ngày 17/6, hai nước này cùng nhóm G7 bày tỏ quan ngại sâu sắc về luật an ninh do Bắc Kinh áp cho Hong Kong.
Có lẽ nhận ra rằng sự cứng rắn của Bắc Kinh đang đẩy nhiều nước ra xa, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tuần qua có chuyến công du Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines.
“Nếu không tái khẳng định quan hệ với các nước, Bắc Kinh có thể chỉ còn vài người bạn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như Triều Tiên, Pakistan, Campuchia, Nga. Như vậy sẽ rất tệ”, ông Grossman bình luận.