Ngày 23/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường yêu cầu điều tra khẩn cấp vụ bê bối vaccine không đạt chuẩn. Ông cho rằng vụ việc đã vượt quá chuẩn mực đạo đức, yêu cầu xử phạt nặng đối với các cá nhân và tổ chức liên quan.
“Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý các hành vi bất hợp pháp và tội phạm gây nguy hiểm tới mạng sống của người dân, đồng thời nghiêm khắc phê bình sự tắc trách trong quá trình giám sát”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố.
Hiện chưa rõ bao nhiêu trẻ bị tiêm vaccine kém chất lượng. Ảnh: Reuters. |
Liên tiếp bê bối vaccine kém chất lượng
Ngày 21/7, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc cho biết Công ty Công nghệ Sinh học Changchun Changsheng (Trường Xuân Trường Sinh) đã bán khoảng 252.600 liều vaccine DPT không đạt chuẩn cho Trung tâm Kiểm dịch và Phòng dịch tỉnh Sơn Đông. Đây là cơ sở chăm sóc sức khỏe cấp tỉnh cho 100 triệu người.
Vụ việc diễn ra 5 ngày sau khi chính công ty Changsheng bị phát hiện làm giả giấy tờ sản xuất 113.000 vaccine phòng bệnh dại. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cho biết đã thu hồi giấy phép sản xuất và sẽ điều tra hình sự đối với các sai phạm.
Đây là vụ mới nhất trong hàng loạt bê bối vaccine không đạt chuẩn tại Trung Quốc. Năm 2017, Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán cũng đã bán ra thị trường 400.520 liều vaccine DPT kém chất lượng.
Vaccine DPT được sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để phòng 3 loại bệnh truyền nhiễm gồm bạch hầu, ho gà và uốn ván. Hiện chưa rõ bao nhiêu trẻ đã bị tiêm vaccine kém chất lượng.
Đưa con đến Hong Kong tiêm phòng
Lin, cha của bé gái bị tiêm vaccine của 2 công ty dính bê bối, cho biết anh rất tức giận và không còn tin tưởng dược phẩm sản xuất ở Trung Quốc.
“Tôi (và gia đình) sẽ không dùng vaccine ở đại lục nữa cho đến khi chính phủ có những biện pháp thiết thực và nghiêm túc để giải quyết vấn đề này”, Lin nói. Anh dự định đưa con tới Hong Kong để tiêm phòng.
Tại Thượng Hải, chị Li cũng chia sẻ rằng sẽ chọn vaccine nhập khẩu. “Vaccine ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ. Vụ bê bối này làm tôi rất buồn. Phải chăng chúng tôi chỉ có thể đảm bảo sức khỏe cho con cái nếu sử dụng thực phẩm và dược phẩm ngoại?", chị Li nói.
Cha mẹ tại Trung Quốc không còn tin tưởng vaccine sản xuất trong nước. Ảnh: Alamy. |
Tối 22/7, Changsheng thông báo ngừng sản xuất vaccine DPT, thu hồi tất cả vaccine phòng bệnh dại do công ty sản xuất và bày tỏ “lời xin lỗi sâu sắc” tới tất cả những người bị ảnh hưởng. Changsheng bị phạt 502.200 USD, nhưng số tiền này là rất nhỏ so với lợi nhuận 82 triệu USD vào năm ngoái.
Hiện Ủy ban Y tế Quốc gia chưa công bố tác động của vaccine kém chất lượng với cơ thể trẻ. Trong lúc đó, nhiều người đặt câu hỏi vì sao các loại dược phẩm này có thể vượt qua hệ thống kiểm định.
Trước quan ngại của người dân, tờ China Daily sáng 23/7 đưa tin vụ việc có thể trở thành khủng hoảng y tế nếu không được giải quyết “một cách phù hợp và minh bạch”. People’s Daily nhận định sau bê bối, "thêm nhiều người sẽ hoài nghi về vaccine sản xuất trong nước".
Năm 2016, Trung Quốc cũng từng rúng động vì vaccine không được bảo quản đúng cách và hết hạn lại được bán trái phép khắp cả nước. Trong vụ này, tổng giá trị vaccine lên tới 84 triệu USD, 200 người đã bị bắt giữ.