Công ty đầu tư Charles Schwab kết hợp với Viện Tài chính Nâng cao Thượng Hải đã khảo sát hơn 2.600 người với thu nhập cá nhân khoảng 20.000-150.000 USD/năm tại 9 thành phố lớn ở Trung Quốc.
Báo cáo công bố ngày 18/7 cho thấy vấn đề tài chính đang khiến những gia đình trẻ đau đầu khi khoản tiền hỗ trợ con cái ước tính lên tới 462.300 USD. Mối lo này thậm chí còn gây căng thẳng cho những cá nhân chưa lập gia đình.
Các cặp vợ chồng trẻ đặt mục tiêu dành khoảng 200.000 USD để đầu tư vào giáo dục cho con cái và ước mơ cho con đi du học. Hơn một nửa số tiền còn lại là khoản để dành khi con bước vào tuổi trưởng thành, kết hôn và lập gia đình.
Nghiên cứu cho thấy các gia đình khá giả tại Trung Quốc đang đau đầu vì khoản chi cho con cái. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
“Đây là một đặc điểm tiêu biểu của những nhà đầu tư và những người mới phất lên tại Trung Quốc”, Lisa Hunt, phó giám đốc điều hành tại Charles Schwab, nhận định. Bà cho hay xu hướng ở Mỹ hoàn toàn trái ngược.
“Thường các gia đình Mỹ không cần hỗ trợ tài chính cho việc học của con cái. Họ chắc chắn càng không hỗ trợ khi con trưởng thành, lập gia đình hay lập nghiệp”, bà nói.
Đối với các hộ gia đình tại Mỹ, lo lắng lớn nhất về tài chính là cuộc sống sau khi nghỉ hưu. Gánh nặng từ việc nuôi dạy con cái của họ giảm bớt khi con 18 tuổi.
Những người tham gia khảo sát ước tính họ cần tài sản lưu động trị giá khoảng 270.000 USD để có thể sống dư dả, tăng 47% so với năm ngoái. Đồng thời, việc sở hữu tài sản trị giá khoảng 630.000 USD giờ được coi là tiêu chuẩn của sự giàu có, trong khi tiêu chuẩn năm 2017 là hơn 510.000 USD.
Tầng lớp khá giả mới nổi tại Trung Quốc đang ngày càng coi của cải và bất động sản là cốt lõi cho tương lai tài chính của họ. Khoảng 96% người khảo sát sở hữu bất động sản, 37% sở hữu ít nhất hai căn nhà.
Ngoài ra, hóa đơn sức khỏe cũng là một trong những nhân tố tài chính gây ra căng thẳng cho các gia đình trẻ.