Mùa xuân năm 2012, Yan Xia được đưa vào bệnh viện Richmond ở British Columbia để sinh con.
Tuy nhiên, mọi chuyện không suôn sẻ và phải mất đến mấy tháng thì Yan, một người không thường trú tại Canada, và con của cô, một em bé vừa trở thành công dân Canada, mới được ra viện.
Họ để lại một hóa đơn viện phí khổng lồ. Tính cả lãi suất, số tiền này lên đến khoảng 1,2 triệu CAD (khoảng 922.000 USD)
Nơi ở của họ hiện tại vẫn là bí ẩn, dù nhiều người đoán đó là Trung Quốc. Theo bà Carrie Stefanson, trưởng bộ phận dịch vụ công của Cơ quan Y tế Duyên hải Vancouver (VCH), số bà mẹ không thường trú sinh con tại bệnh viện Richmond khai báo Trung Quốc là nơi cư trú của họ chiếm "đa số vượt trội".
Một phụ nữ Trung Quốc bên cạnh đứa con mới sinh tại bệnh viện Richmond. Ảnh: Instagram/Baoma Inn. |
Trường hợp về Yan được hé lộ trong một vụ kiện mà VCH là nguyên đơn, đệ lên tòa án vào ngày 12/4 nhằm lấy về số tiền viện phí chưa được thanh toán.
VCH từ chối cung cấp chi tiết về vụ việc, nhưng xác nhận rằng hai mẹ con đã xuất viện.
Song hiện tượng "du lịch sinh con", tức những người nước ngoài đến Canada trong lúc đang mang thai và sinh nở tại đây để con họ nghiễm nhiên được cấp quốc tịch Canada, đang trên đà gia tăng. Bệnh viện Richmond được xem là tâm điểm của hiện tượng.
"Du lịch sinh con" hoàn toàn hợp pháp
Một trong 5 ca sinh nở tại bệnh viện Richmond liên quan đến mẹ là người không thường trú, và chuyện này đang diễn ra hàng ngày.
"Du lịch sinh con" là vấn đề bị lên án từ cả hai phe trong quốc hội Canada: đảng Bảo thủ và đảng Tự do. Nghị sĩ Joe Peschisolido của đảng Tự do đã ủng hộ một thỉnh nguyện thư kêu gọi chấm dứt "thực tiễn mang tính lạm dụng và bóc lột".
Bà Stefanson nói VCH không có quyền lựa chọn trong vấn đề này. "Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi phải chăm sóc cho những người cần sự trợ giúp bất kể họ đến từ đâu", bà nói. "Vì vậy nếu phụ nữ đến bệnh viện chúng ta và cần được đỡ đẻ, chúng tôi chắc chắn sẽ giúp họ và chúng tôi không bao giờ từ chối việc chăm sóc khẩn cấp hay đột xuất dựa trên quốc tịch của bất kỳ ai hay khả năng chi trả của họ".
Dù để lại những hóa đơn viện phí không được thanh toán, "du lịch sinh con" lại là chuyện hoàn toàn hợp pháp tại Canada.
Hàng chục "nhà trẻ sơ sinh" đã mọc lên, cung cấp nơi ăn ở cho những phụ nữ nước ngoài mang thai đến tỉnh bang British Columbia sinh đẻ để con được mang quốc tịch Canada. Những nơi này dường như đều nhằm vào các du khách từ Trung Quốc.
Baoma Inn, nằm ở một vùng ngoại ô nhiều cây cối của Richmond, là một cơ sở như vậy. Cao hơn hẳn những ngôi nhà xung quanh, nhà trọ này được xây năm 2015, có ít nhất 8 phòng ngủ với 10 phòng tắm. Nơi này chỉ cách bệnh viện Richmond 4 km.
Baoma Inn là nơi cung cấp chỗ ăn ở cho những phụ nữ nước ngoài đến sinh con tại thành phố Richmond, Canada. Ảnh: SCMP. |
Một buổi sáng gần đây, một du khách mang thai ngồi nhìn những đứa trẻ học tại trường tiểu học RM Grauer gần đó khi chúng đang chơi đùa trong công viên đối diện nhà trọ.
Chủ nhà trọ cung cấp dịch vụ hộ chiếu Canada và Trung Quốc cho "những bà mẹ tương lai đáng quý" cũng như trợ giúp hậu sản. Trang Instagram của Baoma Inn đăng hình ảnh cho thấy những vị khách đang trong thai kỳ đi thăm thú khu vực, mua sắm trên đường Robson, xem tàu đánh bắt cua ở phía bắc Vancouver và ngắm lá đỏ mùa thu.
Hình ảnh còn cho thấy các bà mẹ mới sinh với gương mặt rạng rỡ bên cạnh đứa con của họ. Một trong các bức ảnh cho thấy một em bé sơ sinh cùng tấm hộ chiếu Canada. Một đoạn video ghi lại cảnh một em bé nằm trong lồng với ánh sáng tia tử ngoại.
5 năm tăng gấp 4 lần
Theo tài liệu mà báo Vancouver Sun thu thập được vào năm 2016, bộ phận kiểm toán của Bộ Y tế British Columbia đã xác định 26 "nhà trẻ sơ sinh", trong đó khách là những người đến Canada với visa du lịch ngắn hạn hoặc là những người đã được cấp tư cách thường trú nhân, đã rời Canada.
"Những cá nhân này lưu trú đủ lâu để có được hộ chiếu Canada và đăng ký bảo hiểm y tế của Bristish Columbia (MSP) cho con của họ, trước khi về nước", tài liệu của bộ cho hay.
Theo thống kê của VCH, mẹ không thường trú chiếm 19,9% số ca sinh tại bệnh viện Richmond giai đoạn 2017-2018. Con số cao hơn mức 17,2%, tức 384 trên 2.228 ca sinh giai đoạn 2016-2017 và 15,5% giai đoạn 2015-2016. Một số lượng nhỏ mẹ không thường trú (ví dụ giai đoạn 2016-2017 là 5) có quốc tịch Canada nhưng không cư trú tại đây.
Theo Vancouver Sun, từ năm 2009 đến năm 2014, số mẹ không thường trú sinh con tại các bệnh viện thuộc quản lý của VCH đã tăng gấp 4 lần.
Bà Stefanson nói, đa số trường hợp với VCH, cơ quan quản lý 9 bệnh viện tại British Columbia, xảy ra tại bệnh viện Richmond, nơi các dịch vụ sử dụng tiếng Trung Quốc toàn bộ. Về mặt dân tộc, Vancouver là thành phố đông người Trung Quốc nhất thế giới nằm ngoài châu Á, với 53% cư dân là người Trung Quốc.
Một đứa trẻ sớ sinh bên cạnh tấm hộ chiếu Canada. Ảnh: Instagram/Baoma Inn. |
Để hạn chế những khó khăn có thể xảy ra, VCH kêu gọi những phụ nữ có ý định sử dụng dịch vụ thai sản tại bệnh viện Richmond đăng ký trước từ 6 đến 8 tuần. "Điều này không hẳn giúp giảm nhu cầu của khách hàng, nhưng chắc chắn giúp đội ngũ chúng tôi chủ động hơn trong việc lên kế hoạch", bà nói.
Bà cho biết dù những người mẹ không thường trú làm gia tăng áp lực về nhân sự, trang thiết bị..., bệnh viện chưa bao giờ phải quyết định liệu có phải dành ưu tiên cho một người sống tại Canada hay không.
Những người mẹ không thường trú đóng viện phí dựa trên nguyên tắc "thu hồi toàn bộ chi phí". Tiền đặt cọc trước vào khoảng 8.200 CAD đối với ca sinh thường và 13.000 CAD đối với ca sinh mổ.
Tuy nhiên, như trường hợp của Yan, chi phí có thể cao hơn và bệnh viện cảnh báo bệnh nhân về việc họ phải trả lãi suất 2%/tháng cho hóa đơn viện phí chưa được thanh toán. Trẻ sơ sinh là con của một người mẹ không thường trú phải sau 3 tháng mới được hưởng chế độ chăm sóc miễn phí.
"Nếu đứa bé cần sự chăm sóc đặc biệt trong lồng nhiều ngày, thậm chí một hay 2 tháng, chi phí này có thể lên đến hơn 200.000 CAD hoặc 300.000 CAD", bà Stefanson ước tính.
Trong trường hợp của Yan, số nợ ban đầu là 312.595 CAD. Tháng 9 năm ngoái, sau 59 tháng, tiền lãi cộng dồn đã khiến hóa đơn vượt ngưỡng tiền triệu. Hiện con số này là 1.178.130 CAD.
Bệnh viện Richmond là tâm điểm trong câu chuyện "du lịch sinh con" tại Canada. Ảnh: SCMP. |
"Hủy hoại giá trị công dân Canada"
Dù đây chỉ là số tiền nhỏ so với tổng chi phí vận hành hàng năm của cơ quan y tế British Columbia lên đến 18 tỷ CAD, làn sóng phản đối "du lịch sinh con" vẫn mạnh mẽ.
Thỉnh nguyện thư được trình lên quốc hội Canada hôm 19/3 nói: "Việc du lịch sinh con về cơ bản đã hủy hoại giá trị công dân Canada".
Thư viện dẫn chi phí liên quan đến giáo dục, y tế, an sinh xã hội và khẳng định rằng "công dân và thường trú nhân tại Canada đã bị gạt ra bởi những công dân nước ngoài tại các bệnh viện địa phương, do đó họ phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế tại các cơ sở khác".
Thư kêu gọi chính phủ liên bang "nhanh chóng thực hiện các biện pháp cứng rắn để giảm thiểu và xóa bỏ việc này", cũng như công khai tuyên bố du lịch sinh con là không công bằng và gây ra hậu quả tiêu cực. Được mở đến 17/7, đến nay thư đã thu thập được hơn 7.800 chữ ký.
"Du lịch sinh con là sai trái", nghị sĩ Peschisolido nói trong một tuyên bố trên Facebook. "Phụ nữ bị lạm dụng bởi các nỗ lực có tổ chức để lợi dụng hệ thống. Họ là nạn nhân của những cá nhân lợi dụng hệ thống và hưởng lợi từ tình hình".
Hình ảnh trên Instagram của Baoma Inn. Ảnh: Instagram/Baoma Inn. |
Một thỉnh nguyện thư tương tự từng được giới thiệu năm 2016. Tuy nhiên, chính phủ Canada đã bác bỏ, cho rằng tư cách công dân dựa trên nơi sinh đã được quy định trong Luật Công dân năm 1947 của nước này.
"Dù có những ví dụ về chuyện người mẹ mang thai là công dân nước ngoài đến Canada để sinh nở, việc yêu cầu rằng bố hoặc mẹ phải là công dân hoặc thường trú nhân thì con mới có thể mang quốc tịch Canada, dựa trên tiêu chuẩn chào đời tại Canada, sẽ cho thấy một sự thay đổi lớn về cách thức tư cách công dân Canada được trao", ông John McCallum, đại sứ Canada tại Trung Quốc, cựu bộ trưởng di trú, đánh giá.
Bất chấp thỉnh nguyện thư mới nhất, "chúng tôi sẽ không bao giờ từ chối chăm sóc bất kỳ ai dựa trên khả năng chi trả của họ hay việc họ từ đâu đến", bà Stefanson nói. "Bản chất của việc này thực sự không liên quan đến chúng tôi".