Cơ quan tình báo Canada (CSIS) vừa công bố báo cáo cảnh báo chính quyền Bắc Kinh đang “nhúng tay” vào mọi khía cạnh của xã hội New Zealand, đồng minh thân cận của Trung Quốc. Tình hình đang trở nên "nghiêm trọng", theo báo cáo đánh giá.
“Chủ tịch Tập Cận Bình đang thực hiện chiến lực đa chiều nhằm đưa Trung Quốc lên thống trị toàn cầu”, Guardian dẫn lời tuyên bố của bản báo cáo. New Zealand được coi là quân cờ then chốt trong chiến lược của ông Tập. Bắc Kinh muốn dùng mối quan hệ với quốc đảo như hình mẫu định hướng mối quan hệ tương lai với các quốc gia khác.
Sự thật đằng sau liên kết kinh tế
Báo cáo xác nhận doanh nhân, chính trị gia và giới quý tộc trí tuệ New Zealand đều bị Bắc Kinh nhắm tới. Mối liên hệ với công ty, trường học, và trung tâm nghiên cứu thực chất được dùng để “gây ảnh hưởng và tiếp cận công nghệ quốc phòng, bí mật thương mại, và các thông tin chiến lược khác”.
New Zealand được coi là quân cờ then chốt trong chiến lược của ông Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters. |
Một số hoạt động gây hại trực tiếp cho an ninh quốc gia của New Zealand, trong khi các hoạt động khác có ảnh hưởng xói mòn lâu dài hơn.
New Zealand là minh chứng điển hình cho việc Trung Quốc sử dụng mối liên kết kinh tế để can thiệp tới đời sống chính trị của nước đối tác. Báo cáo đồng thời cảnh báo các quốc gia nhỏ “đặc biệt dễ bị tổn tương” bởi hành động củaTrung Quốc. New Zealand có dân số chỉ khoảng 4,7 triệu người.
“Chiến lược hung hăng này tìm cách gây ảnh hưởng đến quá trình quyết sách, theo đuổi những ưu thế thương mại không công bằng, ngăn chặn chỉ trích dành cho Trung Quốc, tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp, và gây ảnh hưởng đến cộng đồng người Hoa tại nước ngoài”, bản báo cáo nhận định.
Đồng minh chiến lược "hấp dẫn"
Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, bao gồm người đồng cấp Vương Nghị, trong chuyến viếng thăm 3 ngày tới Bắc Kinh.
“Cuộc thảo luận của chúng tôi bao quát toàn bộ các khía cạnh trong quan hệ song phương”, ông Peters tuyên bố, bao gồm mở rộng quan hệ thương mại và kinh tế, các cuộc đàm phán tiếp theo về Hiệp định Thương mại Tự do, hòa bình và an ninh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tiếp đón người đồng cấp phía new Zealand Winston Peters tại Bắc Kinh. Ảnh: EPA. |
New Zealand được Trung Quốc coi là đồng minh chiến lược hấp dẫn vì nhiều lý do.
New Zealand là thành viên của liên minh tình báo Five Eyes bao gồm 5 quốc gia nói tiếng Anh (New Zealand, Canada, Australia, Anh, và Mỹ). Vì thế, Trung Quốc và các quốc gia khác như Nga có thể biến New Zealand thành cổng tiếp cận tới thông tin mật của Five Eyes.
Trước thông tin trên, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết bà chưa nhận được cảnh báo từ phía Five Eyes, đồng thời khẳng định New Zealand không bị Canada hay bất kỳ đối tác nào nghi ngờ về quyền thành viên trong liên minh tình báo Five Eyes.
“New Zealand cảnh giác với bất cứ sự an thiệp nào có ý định gây tổn hại đến giá trị, thể chế, và nền kinh tế của chúng tôi”, bà Ardern nhấn mạnh.
Bà Jacinda Ardern có mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: Canada Press. |
Bên cạnh đó, New Zeland quản lý các vấn đề quốc phòng và đối ngoại của Niue, Tokelau, và quần đảo Cook, đồng nghĩa với “bốn phiếu bầu tiềm năng cho Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế”.
Đảo quốc nhỏ bé đồng thời sở hữu “đất trồng trọt rẻ và dân số thưa thớt”, ưu thế trong ngành bơ sữa nơi Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, ngành hàng không và vũ trụ phát triển cho phép tên lửa được phóng từ bán đảo Mahia, trữ lượng dầu mỏ chưa được khám phá, và sự tinh thông trong các đàm phán thương mại đa phương.