Phi thuyền Hằng Nga 3 bay lên mặt trăng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Tên lửa đẩy Trường Chinh 3B phóng tàu vũ trụ Hằng Nga 3 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, phía nam Trung Quốc lúc 1h30 theo giờ địa phương. Theo kế hoạch, tàu “Hằng Nga 3” sẽ đổ bộ lên mặt trăng vào giữa tháng 12 để robot tự hành Thỏ Ngọc thực hiện công việc nghiên cứu “chị Hằng”. Vị trí mà Hằng Nga 3 đáp xuống là miệng núi lửa Sinus Iridum, hay còn gọi là Bay of Rainbows.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc phát sóng trực tiếp hình ảnh phóng tàu vũ trụ. Đây là lần thứ ba Trung Quốc đưa tàu vũ trụ thám hiểm mặt trăng, sau khi thực hiện các vụ phóng tương tự vào năm 2007 và 2010. Tuy nhiên, lần này Trung Quốc đưa một thiết bị thám hiểm phức tạp hơn nhiều để thu thập và nghiên cứu bề mặt của mặt trăng.
Robot tự hành Thỏ Ngọc có khối lượng 120 kg và hoạt động nhờ năng lượng mặt trời. Ảnh: Reuters. |
Theo Viện nghiên cứu các hệ thống hàng không vũ trụ và kỹ thuật Thượng Hải, robot tự hành Thỏ Ngọc có khối lượng 120 kg, có thể leo lên dốc nghiêng 30 độ và di chuyển với tốc độ 200 m/h. Nó có màu vàng, 6 bánh, 4 camera và hai chân cơ khí để thu thập các mẫu đất trên mặt trăng.
Thỏ Ngọc sẽ hoạt động trên mặt trăng ít nhất 3 tháng nhờ ánh sáng mặt trời. Người ta chọn tên của robot từ một cuộc thăm dò ý kiến trên mạng.