Dẫn nguồn tin có liên hệ với quân đội Trung Quốc, South China Morning Post cho biết nước này đã phóng 2 tên lửa tầm trung ra Biển Đông vào sáng 26/8 nhằm gửi thông điệp cảnh cáo Mỹ. Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh cáo buộc máy bay do thám U-2 của Mỹ tiến vào khu vực Trung Quốc áp đặt vùng cấm bay và tập trận bắn đạn thật trên biển Bột Hải.
Một tên lửa được xác định thuộc mẫu DF-26B, phóng từ tỉnh Thanh Hải, phía tây bắc Trung Quốc. Tên lửa còn lại thuộc mẫu DF-21D, được phóng từ tỉnh Chiết Giang ở miền Đông Trung Quốc. Tầm bắn của 2 mẫu tên lửa lần lượt là 4.000 km và 1.800 km. Mẫu DF-26 có năng lực tấn công hạt nhân với mục tiêu mặt đất lẫn trên biển, còn DF-21 là tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới.
Theo tiết lộ của nguồn tin, các tên lửa được phóng đến khu vực phía đông nam đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa trái phép.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc trong một sự kiện duyệt binh tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Khu vực mục tiêu nằm trong vùng biển mà Cơ quan An toàn Hàng hải Hải Nam đơn phương cấm tàu thuyền hoạt động. Lệnh cấm nhằm phục vụ đợt tập trận của quân đội Trung Quốc trên Biển Đông kéo dài từ ngày 24-29/8.
Nguồn tin của South China Morning Post khẳng định vụ phóng tên lửa nhằm chứng tỏ khả năng ngăn chặn các lực lượng hải quân tiếp cận Biển Đông.
Trung Quốc đang tập trận đồng loạt trên cả 4 vùng hải quân. Mặc dù các động thái quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua gây nhiều lo ngại an ninh trong khu vực lẫn quốc tế, nguồn tin này khẳng định vụ phóng tên lửa ngày 26/8 chỉ nhắm đến Mỹ.
Liên quan đến việc Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự tại vùng biển phía bắc đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 26/8 khẳng định: "Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, hủy bỏ và không tái diễn vi phạm tương tự", bà Hằng nói.