Theo Jane’s Defence Weekly, phiên bản mới đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 18/12 tại sân bay của công ty máy bay Thẩm Dương. Hình ảnh về phiên bản mới của J-16 đã xuất hiện trên một số trang web và clip đăng trên trang mạng Ifeng ở Trung Quốc.
Điểm nổi bật trên phiên bản mới là hai pod lắp ở đầu mút cánh tương tự thiết bị gây nhiễu chiến thuật AN/ALQ-218 do tập đoàn Northrop Grumman của Mỹ sản xuất. Jane’s Defence Weekly nhận định, Trung Quốc đang muốn phát triển một phiên bản máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng như E/A-18G Growler của Hải quân Mỹ.
Pod gây nhiễu mới của Trung Quốc và thiết bị AN/ALQ-218 (ảnh nhỏ) của Mỹ. Ảnh: Jane's Defence Weekly |
Quan sát hình ảnh về J-16 EW, Jane’s Defence Weekly cho rằng, pháo 30 mm và hệ thống tìm kiếm chỉ thị mục tiêu hồng ngoại đã được tháo bỏ. Tuy vậy, máy bay vẫn giữ 10 điểm treo vũ khí và pod gây nhiễu dưới cánh tương tự Su-30 của Nga.
Những năm gần đây, Trung Quốc đang đầu tư phát triển ít nhất 3 loại thiết bị tác chiến điện tử. Hệ thống đầu tiên có kích thước tương đương với thiết bị gây nhiễu tích hợp AN/ALQ-99 của Mỹ. Thiết bị này đã được nhìn thấy lắp trên máy bay cường kích JH-7 vào năm 2007. Một phiên bản nhỏ hơn có tên KG600 cũng được trang bị cho JH-7. Trong khi đó, KG300 có thể là phiên bản dùng cho xuất khẩu.
Phiên bản J-16 EW tương tự E/A-18G Growler sẽ mang lại cho không quân hải quân Trung Quốc (PLAAF) khả năng tấn công mục tiêu hiệu quả hơn và giảm tác động bất lợi từ các hệ thống phòng không ngày càng phát triển mạnh, Jane’s Defence Weekly nhận định.
Việc Trung Quốc phát triển máy bay tác chiến điện tử J-16 EW có thể dẫn đến một phiên bản tương tự của J-15 hoạt động trên tàu sân bay Liêu Ninh. Một số nhà bình luận tại Trung Quốc cho rằng, J-16 EW sẽ giúp PLAAF giảm sự phụ thuộc vào máy bay hỗ trợ điện tử loại lớn và dễ tổn thương như Y-8.
Trong năm 2014, một nguồn tin chính phủ ở châu Á ước tính, đến năm 2020, khoảng 100 J-16 sẽ được đưa vào hoạt động trong quân đội Trung Quốc. Con số này có thể gia tăng với sự xuất hiện của phiên bản mới.