Các quan chức quốc phòng Trung Quốc cho biết, vụ thử DF-41 từ đường ray tàu hỏa diễn ra ngày 5/12. Đây là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa, có khả năng tấn công các mục tiêu nằm ở khoảng cách hơn 12.000 km. Tình báo Mỹ cho biết, DF-41 có thể trang bị 10 đầu đạn hạt nhân loại nhỏ, Reuters đưa tin.
Phillip A. Karber, một chuyên gia về lĩnh vực quốc phòng của Trung Quốc, cho hay, Bắc Kinh đã xây dựng khu phức hợp đường hầm, có thể chứa cùng lúc 3 đoàn tàu chở tên lửa đạn đạo có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân. Trong trường hợp cần sử dụng, các đoàn tàu này sẽ di chuyển tới vị trí đã chọn và phóng tên lửa đạn đạo vào các mục tiêu đã định.
Tàu hỏa được chế tạo để chở và phóng tên lửa hạt nhân của Nga. Ảnh: Wikipedia Commons |
Theo Karber, đoàn tàu chở tên lửa đạn đạo có thể được ngụy trang như những chuyến tàu chở khách dân sự. Chúng di chuyển với tốc độ nhanh trên đường ray. Tuy nhiên, rất khó để thay đổi số lượng hay kiểm tra các đầu đạn trong mỗi tên lửa vì hạn chế về không gian trong hầm chứa.
Trung Quốc không phải quốc gia đầu tiên sử dụng loại tên lửa đạn đạo có thể phóng từ tàu hỏa. Trong quá khứ, Liên Xô từng phát triển và sở hữu thành công loại vũ khí này. Tuy nhiên, chúng bị loại khỏi biên chế chiến đấu sau thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa Nga và Mỹ. Nga tháo dỡ toàn bộ các đoàn tàu chở tên lửa hạt nhân năm 2005.
Tuy nhiên, năm 2014, giới chức Nga để ngỏ khả năng tái sản xuất các loại tàu chở tên lửa hạt nhân để tăng độ linh hoạt của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga. Nó là một phần trong chuỗi biện pháp đối phó với chương trình vũ khí siêu thanh của Mỹ.