Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc phản đối Philippines bay gần đảo Thị Tứ

Trung Quốc tiếp tục bao biện cho cái gọi là chủ quyền của nước này ở Trường Sa, sau hành động cảnh báo phi cơ của Manila bay qua đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Ngày 19/1, trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Hồng Lỗi lớn tiếng tuyên bố: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở quần đảo Nam Sa. Chính Philippines là nước đã xâm chiếm trái phép 8 điểm đảo tại quần đảo này". Nam Sa là tên mà Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Hồng cáo buộc Philippines đang xây dựng, cải tạo đảo, xây nhà cửa và bố trí vũ khí tại đây. Liên quan đến việc máy bay dân dụng Philippines bị Trung Quốc cảnh báo khi bay qua đảo Thị Tứ, người phát ngôn Trung Quốc nói rằng: "Manila đã có những phát ngôn mang tính hù dọa về việc này, cố ý làm phức tạp tình hình". Ông Hồng cho rằng "âm mưu của Philippines sẽ không bao giờ trở thành sự thật".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lớn tiếng phản đối việc Philippines tuyên bố sẽ xây dựng hệ thống vệ tinh giám sát các chuyến bay dân dụng của Trung Quốc ra đá Chữ Thập trên Biển Đông.

Ông Hồng nói thêm rằng mọi việc làm của Philippines sẽ "không thay đổi được thực tế rằng Philippines đang chiếm đóng trái phép lãnh thổ của Trung Quốc".

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khi trả lời tạp chí Financial Times đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế có phản ứng mạnh mẽ hơn trước việc Trung Quốc cải tạo, xây dựng đảo trái phép ở Trường Sa và đang có ý đồ khai thác dầu khí tại đây.

Trả lời vấn đề này, phát ngôn viên Trung Quốc ngang ngược tuyên bố về cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi" của Bắc Kinh với "Nam Sa". Ông Hồng Lỗi tố ngược rằng Nhật đã "chiếm đóng nhiều đảo của Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông) trong Thế chiến II". Sau đó, những đảo này được Trung Quốc "thu hồi".

Trước đó, ông Rodante Joya, phó Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Philippines, cho hay nước này sẽ lắp hệ thống giám sát trị giá hơn 1 triệu USD trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (hiện do Philippines nắm giữ), để theo dõi khoảng 200 chuyến bay thương mại qua khu vực này mỗi ngày.

Cơ quan Dân dụng Philippines đã giới hạn phạm vi phủ sóng radar. Trong năm nay, quân đội nước này dự kiến sẽ ký thoả thuận thiết lập ba hệ thống radar nhằm phát hiện các nguy cơ xâm phạm không phận từ khoảng cách 402 km, ngoài vùng đặc quyền kinh tế. 

Cơ quan trên đang chờ quyết định phê duyệt của giới chức an ninh và đối ngoại, vì hệ thống theo dõi sẽ được lắp đặt trên một căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp.

Trên thực tế, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ không thể chia cắt của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố về quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với hai quần đảo này. Mọi hoạt động của các bên tại Hoàng Sa, Trường Sa mà chưa có sự cho phép của Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.

TQ ngụy biện việc không thông báo bay cho FIR Hồ Chí Minh

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay ngang nhiên tuyên bố Bắc Kinh đã thông báo cho FIR Hồ Chí Minh khi điều máy bay đáp xuống đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập.


Nguyên Vũ

Bạn có thể quan tâm