Theo Inquirer, sau khi được nâng cấp, cơ sở hải quân hiện tại ở vịnh Oyster sẽ trở thành căn cứ thích hợp nhất để cho quân đội Mỹ thuê.
Quá trình nâng cấp sẽ bao gồm lắp đặt hệ thống radar công suất lớn tại những khu vực chiến lược từ Bắc đến Nam Palawan, chuỗi đảo chính của Philippines và cách quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 160 km.
Sau khi hoàn tất, căn cứ mới ở vịnh Oyster sẽ có một bến cảng mới để đón 4 tàu lớn cùng lúc, theo các quan chức hải quân Philippines.
Subic từng là căn cứ hải quân của Mỹ ở tỉnh Zambales. Năm 1992, Philippines đã đóng cửa nơi này cùng căn cứ không quân Clark thuộc tỉnh Pampanga, sau khi Thượng viện bỏ phiếu chấm dứt Hiệp định về căn cứ quân sự giữa Mỹ và Philippines.
Subic có vị trí quan trọng đối với người Mỹ bởi nó là một trong số ít khu vực tại Philippines mà các tàu chiến của Washington có thể cập cảng an toàn.
Joseph Rostum Peña, chỉ huy đơn vị hải quân Navforwest ở vịnh Oyster, cho hay, các hệ thống radar sẽ cho phép đơn vị này theo dõi chặt chẽ những biến động tại Trường Sa. “Sau khi hoàn tất, vịnh Oyser sẽ là một Subic nhỏ”, ông nói.
Philippines cũng đang xây dựng đường cao tốc dài 12 km nối vịnh Oyster với trung tâm đô thị. “Mục đích của con đường này là giúp quân đội di chuyển dễ dàng từ vịnh Oyster tới Puerto Princesa, vận chuyển vật liệu cho quá trình xây dựng doanh trại mới và khu cảng cho tàu hải quân”, trung úy Ariesh Climacosa, phát ngôn viên của đơn vị hải quân Navforwest cho hay. Con đường dự kiến hoàn thành vào tháng 10.
Tàu chiến trên vịnh
Oyster . Ảnh: Inquirer |
Việc chuyển đổi căn cứ hải quân ở vịnh Oyster thành một cơ sở hiện đại bắt đầu từ năm 2014. Căn cứ này từng là xưởng đóng tàu duy nhất của Hải quân Philippines, nhưng bị xuống cấp.
Kế hoạch nâng cấp vịnh Oyster diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Manila, khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
Tháng 5/2015, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Phillippines, Tướng Gregorio Catapang nói rằng, các tàu Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam sẽ có thể đỗ tại vịnh Oyster sau khi căn cứ mới được hoàn tất, theo Reuters.
Theo ông Catapang, chi phí cho hoạt động xây dựng căn cứ ở vịnh Oyster ban đầu là 160 triệu USD, trong khi để biến nơi đây thành một cơ sở điều khiển chủ yếu, Manila cần số tiền 1 tỷ USD.
Trước đó, ngày 13/1, Manila đã đề xuất để Washington sử dụng 8 căn cứ, gồm 5 sân bay quân sự, hai căn cứ hải quân và một trại huấn luyện trong rừng. Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi Tòa án Tối cao Philippines tán đồng tính hợp hiến của Hiệp định Tăng cường quốc phòng Hợp tác (EDCA) mà hai nước đã ký từ tháng 4/2014. EDCA cho phép quân đội Mỹ có quyền đồn trú luân phiên tại các trung tâm quân sự và triển khai máy bay, tàu chiến từ Philippines.