Trước diễn biến các doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT), logistics Trung Quốc xây dựng hàng loạt tổng kho giga sát biên giới Việt Trung, chị An Chi (25 tuổi, chủ một gian hàng online chuyên bán đồ da tại Hà Nội) không giấu nổi lo lắng về hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
Theo tiểu thương này, sự xuất hiện của các tổng kho khổng lồ sẽ tạo điều kiện để hàng hóa Trung Quốc tiếp cận thị trường Việt Nam nhanh chóng và dễ dàng hơn. Đây là tin tốt với nhiều người mua, nhưng với những người kinh doanh online, hàng hóa Trung Quốc có thể gây ra áp lực cạnh tranh cũng như khiến thị trường TMĐT trong nước xáo trộn.
“Người bán phía Trung Quốc ưu tiên số lượng nên thường hạ giá sản phẩm rất thấp, thậm chí sát giá xuất xưởng. Ví dụ cùng một kiểu dáng ví da, họ sẵn sàng bán thấp hơn chúng tôi 20-40%. Người kinh doanh không cạnh tranh nổi khi chứng kiến lợi nhuận ngày càng mỏng dần”, chị Chi phàn nàn.
Hàng hóa Trung Quốc đổ bộ
Thay vì phải tìm đến những đơn vị vận chuyển trung gian giữa 2 nước, sự bùng nổ của TMĐT xuyên biên giới đã mở ra cánh cửa giúp người bán Trung Quốc đổ bộ lên các sàn TMĐT dẫn đầu thị phần Việt Nam như Shopee, TikTok Shop hay Lazada.
Với hệ thống logistics vượt trội, hàng hóa vận chuyển từ quốc gia tỷ dân cũng không còn tốn nhiều ngày để đến Việt Nam mà được rút ngắn ngang với thời gian giao từ TP.HCM về Hà Nội.
Ông Phạm Bảo Trung - Giám đốc kinh doanh tại Metric - tin rằng sự hiện diện của những kho hàng giga cận biên sẽ là cú hích kích thích quy mô TMĐT Việt Nam, đồng thời đem lại doanh thu hấp dẫn cho các nhà bán hàng nhờ việc mở rộng không gian mua sắm. Đây cũng là cơ hội để người bán Việt Nam khai thác các sản phẩm tiềm năng để đưa đến tay khách hàng quốc tế.
Trong khi đó, người tiêu dùng trong nước có thể dễ dàng tiếp cận nguồn sản phẩm đa dạng cả về mẫu mã, chất lượng lẫn giá thành. Việc cải thiện tốc độ giao hàng thông qua các tổng kho sát biên cũng là nền tảng để sản phẩm Trung Quốc xuất hiện với mật độ dày đặc hơn.
Việc áp dụng công nghệ vào hoạt động kho vận giúp đơn hàng TMĐT Trung Quốc về Việt Nam nhanh chóng. Ảnh: CNN. |
Theo công ty nghiên cứu thị trường eMaketer, xu hướng TMĐT xuyên biên giới tiếp tục bùng nổ ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ước tính, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam đến năm 2026 sẽ đạt 11,1 tỷ USD và có thể trở thành ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 vào năm 2027.
Hiện nay, nền tảng phân tích dữ liệu của Metric cho thấy doanh thu TMĐT xuyên biên giới trên các sàn không quá đột biến mà chỉ tập trung vào một số ngành hàng, nhóm sản phẩm nhất định. Tuy nhiên, với những lợi thế như tốc độ giao hàng và giá thành hợp lý, chính sách hoàn trả thuận tiện, tiềm năng cạnh tranh của các nhà bán hàng xuyên biên giới từ Trung Quốc là rất lớn.
Theo Thạc sĩ Đỗ Quang Huy - chuyên gia TMĐT, Giám đốc công ty Ecotop - thời gian giao hàng từ các shop nước ngoài đã được thu hẹp đáng kể so với trước đây. Trái lại, hoạt động logistics trong nước vẫn thường xuyên gián đoạn do sự hạn chế về mặt công nghệ, hạ tầng.
“Có những lúc đơn giao chậm, dù ngay Hà Nội nhưng phải 3-4 ngày mới tới nơi. Có những đơn bị hủy với lý do không giao được hàng trong khi người mua không nhận được bất cứ cuộc gọi nào”, ông Huy kể.
Vị chuyên gia khẳng định các đơn vị vận chuyển hiện nay không có sự đồng đều trong khâu vận hành. Một số đơn vị sẵn sàng ưu tiên đối tác lớn và bỏ qua người bán có quy mô nhỏ hơn, buộc họ phải mang hàng ra tận bưu cục để gửi và phát sinh thêm “thời gian chết”.
Bên cạnh đó, việc con người vẫn chiếm vị trí quan trọng trong dây chuyền giao vận cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hàng hóa bị tắc nghẽn, quá tải nếu doanh nghiệp biến động nhân sự.
Không để mất chỗ đứng trên sân nhà
Trao đổi với Tri thức - Znews, ông K.T - chuyên gia trong ngành fulfillment (thực hiện đơn hàng), đề nghị không nêu tên - cho biết Trung Quốc không những nắm bắt và tự chủ được công nghệ mà còn nguồn nhân lực dồi dào, lành nghề, sáng tạo. Đây là yếu tố giúp quốc gia này có sản lượng lớn để thử nghiệm, nghiên cứu, sáng tạo và tạo ra xu hướng.
Nhìn rộng hơn, “kỳ tích logistics” của Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến kinh tế của Việt Nam khi chúng ta có đến gần 1.500 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn.
Trong bối cảnh Việt Nam còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu, thậm chí công nghệ từ Trung Quốc, việc hàng hóa Trung Quốc thâm nhập dễ dàng và sự chuyển dịch thói quen mua hàng của người Việt Nam có thể ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất trong nước như may mặc, hàng hóa gia dụng…
Ngành logistics Việt Nam vẫn còn bán tự động, phụ thuộc nhiều vào con người. Ảnh: Thạch Thảo. |
Bất chấp những lợi ích trước mắt, đại diện Metric cảnh báo nếu không chịu thay đổi, các nhà bán hàng nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp trong nước sẽ rất dễ bị gạt ra khỏi cuộc chơi.
Theo vị này, hướng đi đúng đắn cho nhà bán hàng ở Việt Nam lúc này là tối ưu năng lực nội tại, tập trung vào các thế mạnh của sản phẩm để thích ứng với làn sóng này cũng như có thể tồn tại và phát triển. Ví dụ, nhà bán hàng có thể thúc đẩy các sản phẩm đặc biệt của địa phương mà không nơi nào có, duy trì sự đồng đều về chất lượng sản phẩm và xây dựng hình ảnh thương hiệu đúng cách.
“Rõ ràng, chúng ta có nhiều lợi thế trong việc nắm giữ, thấu hiểu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng trong nước, đồng thời dễ dàng tiếp cận với các công cụ nghiên cứu thị trường nhanh chóng, bài bản”, Giám đốc kinh doanh Metric nhìn nhận.
Mặt khác, chuyên gia TMĐT Đỗ Quang Huy cho rằng trừ một số mặt hàng đặc thù, Việt Nam khó xuất ngược sang để bán khi lợi thế cạnh tranh còn quá ít.
Người Trung Quốc bán lẻ trên mạng bằng giá người Việt nhập vào. Mô hình D2C (nhà sản xuất cung cấp trực tiếp đến người tiêu dùng) với đặc thù bỏ qua khâu phân phối khiến giá thành bị chiết khấu mạnh
Chuyên gia TMĐT Đỗ Quang Huy
Nhà bán hàng trong nước cũng không thể bán hàng tràn lan như trước. Thậm chí, nhiều tiểu thương còn không thể cạnh tranh ở một số mặt hàng như đồ gia dụng, túi, ví… và đành chấp nhận chuyển ngành.
Để cạnh tranh trên sân nhà, ông Huy nhấn mạnh tiểu thương Việt Nam với sự hiểu biết về văn hóa, lối sống địa phương, cần tận dụng lực lượng KOL/KOC đông đảo để định hướng người dùng.
Trên thực tế, người bán cũng có thể khai thác các mặt hàng thế mạnh như nông sản, thực phẩm khô, mỹ phẩm hữu cơ… hay đẩy mạnh mặt hàng dễ sản xuất ở Việt Nam.
Ngoài ra, người bán cũng nên tập trung thiết kế, phát huy thế mạnh sản phẩm, xây dựng câu chuyện thương hiệu để tạo niềm tin với người tiêu dùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt nên kết hợp tận dụng ưu điểm của nhau, cạnh tranh lành mạnh và cùng đi lên.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.