Bốn tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 21,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 11,9 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ước khoảng 9,17 tỷ USD, giảm 5,2%; xuất siêu gần 2,8 tỷ USD (giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước).
Trung Quốc tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất (23,4%) với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,8 tỷ USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ. Đứng thứ 2 là Mỹ với 23,33% thị phần, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,78 tỷ USD, giảm 13,9%.
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU của Việt Nam ước đạt 1,3 tỷ USD, giảm 1,9% và chiếm 10,75% thị phần; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 2,9%, chiếm 9% thị phần; xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 7,1% và chiếm 10,49% thị phần.
Bộ NN&PTNT nhận định thị trường Trung Quốc là khu vực quyết định, chi phối đầu ra sản phẩm nông sản Việt Nam trong năm 2020. Ảnh: Việt Hùng. |
Hầu hết mặt hàng xuất khẩu đều giảm kim ngạch, trừ cà phê, hạt điều, rau, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre,… Cụ thể: giá trị xuất khẩu cà phê đạt 1,1 tỷ USD (tăng 1,5%); hạt điều đạt 948 triệu USD (tăng 4,2%); rau đạt 203 triệu USD (tăng 5%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,22 tỷ USD (tăng 3,5%); mây, tre, cói thảm đạt 162 triệu USD (tăng 11,8%).
Những mặt hàng giảm nhiều là cao su đạt 383 triệu USD (giảm 31,1%), chè đạt 53 triệu USD (giảm 14,1%), hồ tiêu đạt 249 triệu USD (giảm 12%), quả đạt 952 triệu USD (giảm 19,6%), cá tra đạt 420 triệu USD (giảm 31,9%), tôm đạt 748 triệu USD (giảm 11,8%).
Riêng trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 2,9 tỷ USD, giảm 16,9% so với tháng 4/2019 và giảm 18,9% so với tháng 3/2020.
Về nhập khẩu, tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 9,17 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 7,4 tỷ USD, giảm 9,1%.
Ngoại trừ các mặt hàng dầu mỡ động thực vật, lúa mỳ, cao su và chăn nuôi có giá trị nhập khẩu tăng (lần lượt tăng 8%, 47%, 4,2% và 17,6%), các mặt hàng khác đều giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự báo đầu tháng 4, nhu cầu nhập khẩu nông sản của Trung Quốc tăng cao, nhất là các mặt hàng thực phẩm. Đây là cơ hội dành cho việc tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam.
“Thị trường Trung Quốc sẽ là khu vực quyết định, chi phối đầu ra sản phẩm nông sản Việt Nam trong năm 2020. Do đó, cần huy động mọi nguồn lực (quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân) để tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện để khai thác lợi thế này”, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Cơ quan ngành nông nghiệp cũng cho rằng tháng 6-7, thị trường nhập khẩu nông sản của Mỹ và EU mới có thể trở lại bình thường, trong khi với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc là tháng 6.