Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có báo cáo số liệu nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt giai đoạn từ đầu năm đến ngày 13/4.
Theo báo cáo, tính đến ngày 13/4, Việt Nam đã nhập khẩu 46.402 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập khẩu từ Canada 24,59%, Đức 19,32%, Ba Lan 14,14%, Brazil 9,50%, Mỹ 8,39%, Tây Ban Nha 6,72%, Liên bang Nga 4,04%.
Việt Nam nhập khẩu thịt lợn chủ yếu từ các nước có nền nông nghiệp phát triển. Ảnh: CNBC |
Trong hơn 4 tháng đầu năm, Việt Nam cũng đã nhập khẩu 37.104 tấn thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu, bò; 78.376 tấn thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm; 190 tấn thịt dê, cừu và sản phẩm thịt dê, cừu.
Đối với lợn giống, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là lợn giống cụ kỵ và ông bà từ Mỹ, Canada, Đài Loan. Số con giống nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2020 là 1.808 con.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam. Trong đó, có 788 doanh nghiệp từ 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.
Mỹ có nhiều doanh nghiệp được phép xuất khẩu thịt lợn vào Việt Nam nhất với 141 doanh nghiệp, tiếp đến là Tây Ban Nha với 139 doanh nghiệp. Italy và Pháp xếp sau với lần lượt 120 và 61 doanh nghiệp.
Trong khi đó, từ đầu năm đến ngày 13/4, có 108 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn. Bộ NN&PTNT cho biết số doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn thay đổi theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào nhu cầu kinh doanh và tình hình thị trường.
Năm 2019, có 600 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm (tăng 48 doanh nghiệp so với năm 2018), với 150 doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn (tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2018).