China Ocean News cho hay các nhà nghiên cứu từ Đại học Bách khoa Tây Bắc ở tỉnh Thiểm Tây đã thực hiện thí nghiệm gần vực thẳm Challenger. Vực thẳm này nằm ở Thái Bình Dương, ở cuối phía nam của khe vực Mariana.
Thử nghiệm liên quan đến việc gửi xuống và lấy về một đầu dò âm thanh dài 10 km trang bị cảm biến có thể thu âm ở khoảng cách 9,3 km.
"Các nhà khoa học Trung Quốc, lần đầu tiên, đã nghe thấy âm thanh từ phần sâu nhất của đại dương", tờ báo viết.
Các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện thí nghiệm. Ảnh: Weibo. |
Lu Liangang, nhà nghiên cứu thuộc Học viện Hải dương học ở Thanh Đảo tham gia vào sứ mệnh trên, nói với tờ báo rằng đây mới là lần thứ hai một thí nghiệm âm thanh được thực hiện ở rãnh Mariana.
Thung lũng Challenger nằm cách Guam khoảng 320km về phía tây nam, là điểm sâu nhất được biết đến trên Trái Đất. Rất ít nhóm khoa học xuống đó kể từ khi một tàu ngầm Mỹ thực hiện chuyến khám phá đầu tiên vào năm 1960.
Mục đích của thí nghiệm âm thanh của Trung Quốc, mất khoảng một năm để chuẩn bị, là để tìm hiểu cách thức âm thanh được truyền đi dưới vùng biển sâu. Vì không có ánh sáng ở dưới, nhiều sinh vật phải dựa vào âm thanh để giao tiếp.
Theo Collin Koh Swee Lean, một nghiên cứu viên của Chương trình An ninh Hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore, nghiên cứu âm thanh trên biển có thể có các ứng dụng quân sự.
"Các dự án nghiên cứu dân sự có thể sử dụng cho mục đích quân sự, như trong trường hợp này, việc hiểu rõ các đặc tính âm thanh trong rãnh có thể thúc đẩy nghiên cứu âm thanh dưới biển sâu, giúp các nhà khoa học tinh chỉnh công nghệ và giúp tăng cường khả năng chống tàu ngầm hay hoạt động dưới nước", Koh nói.
Vực thẳm Challenger nằm trên Thái Bình Dương là nơi thực hiện thí nghiệm. Đồ họa: oregonstate.edu. |
Các nhà khoa học Trung Quốc cũng để lại sáu cảm biến âm thanh trong khe vực Mariana để thu thập thông tin về tiếng ồn biển trong một năm và sẽ lấy lại những thiết bị này vào tháng 11/2018.
Trung Quốc từng thực hiện nhiều nhiệm vụ thám hiểm, cả có người lái và không người lái, tới điểm sâu nhất của khe vực Mariana dài khoảng 2.400 km và rộng khoảng 70 km. Vào năm 2016, Trung Quốc trở thành nước thứ ba, sau Mỹ và Nhật Bản, có một tàu ngầm không người lái có thể xuống sâu hơn 10.000 m. Tàu Haidou của Trung Quốc có thể lặn sâu đến 11.000 m.
Thăm dò khoa học biển sâu là một trong những dự án trọng điểm trong kế hoạch 5 năm, tới năm 2020 của Bắc Kinh.