Theo các nhà khoa học Trung Quốc, mức độ iodine-129 ở Tây An, thủ phủ của Thiểm Tây, đã đạt đỉnh điểm hai ngày sau khi Triều Tiên thử bom nhiệt hạch cách đó khoảng 2.000 km.
Từ ngày 3-11/9, hàm lượng iodine-129 ở Tây An tăng ít nhất 4,5 lần so với mức trung bình, theo các tài liệu từ Viện Môi trường Trái đất có trụ sở tại thành phố.
Iodine-129 là đồng vị của nguyên tố i-ốt, hiếm khi có trong tự nhiên. Nó chủ yếu được sinh ra từ sự phân hạch do con người tạo nên và được theo dõi chặt chẽ trên khắp thế giới như bằng chứng của các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân hoặc tai nạn hạt nhân.
Từ Triều Tiên, từ Tây Âu...
Mức độ chất đồng vị này ở Tây An, cách bãi thử Punggye-ri khoảng 2.000 km, đạt đỉnh điểm trong khoảng thời gian từ ngày 5-6/9, cao gấp 9 lần so với ngày trước vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Khu vực tường thành cổ ở Tây An. Ảnh: Getty. |
Zhang Luyuan, nhà vật lý đang dẫn đầu cuộc điều tra vụ việc, cho biết bà đã nổi da gà khi lần đầu tiên nhìn thấy những thông số về đồng vị tăng vọt trên biểu đồ.
"Chúng tôi nghĩ mình đã thành công. Thời điểm gần như hoàn hảo", bà nói với South China Morning Post. "Đây có thể là lần đầu tiên phóng xạ được phát hiện ngoài Triều Tiên". Nhưng vấn đề hóa ra phức tạp hơn nhiều so với suy nghĩ của các nhà nghiên cứu.
Zhang và các đồng nghiệp đã kiểm tra dữ liệu thu thập được từ các thiết bị dọc theo biên giới Trung Quốc - Triều Tiên, do những lo ngại từ Bắc Kinh rằng bãi thử Punggye-ri, dưới một ngọn núi gần biên giới, có thể sụp đổ và giải phóng một lượng lớn các chất ô nhiễm phóng xạ.
Một số trạm đã thông báo về sự gia tăng phóng xạ tổng thể nhưng lại không phát hiện các nguyên tố như iodine-129.
Zhang cho biết các nhà nghiên cứu băn khoăn liệu các hạt phóng xạ có thể đã được thổi bay về hướng Tây An nhưng phát hiện ra gió đã thổi về phía khác trong phần lớn thời gian điều tra.
Nhóm nghiên cứu cũng tính toán rằng để tạo ra đủ bụi phóng xạ để tăng lượng iodine-129 ở Tây An, quả bom phát nổ ở Triều Tiên sẽ phải lớn gấp "rất nhiều lần" lượng ước tính trong báo cáo vệ vụ thử.
Nhóm nghiên cứu hiện nghi ngờ sự của đồng vị phóng xạ này có thể đến từ Tây Âu, bởi vì hai trong số các nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân lớn nhất thế giới ở Pháp và Anh đã thải ra hơn sáu tấn iodine-129 vào môi trường từ những năm 1960. Con số này lớn gấp 100 lần số đồng vị được thải ra từ mọi thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, giả thiết trên đã bị nhiều người trong cộng đồng nghiên cứu bác bỏ, bởi Tây An cách Anh và Pháp tới hơn 8.000 km.
... hay từ chính Trung Quốc?
Vị trí bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Đồ họa: RT. |
Giáo sư Guo Qiuju, nhà vật lý hạt nhân đứng đầu chương trình nghiên cứu về giám sát các mối nguy hạt nhân tại Đại học Bắc Kinh, nói rằng nếu nguyên nhân là từ châu Âu, phải có một vụ tai nạn rất lớn và rất nghiêm trọng.
"Châu Âu đã thiết lập được mạng lưới tốt nhất thế giới để theo dõi phóng xạ trong môi trường", bà nói. "Nếu có một đám mây từ đó, nó phải đã kích hoạt các cảnh báo trên đường đi."
Tuy nhiên, Guo cũng cho biết vụ việc này dường như cũng không phải là do thử nghiệm bom. "Nếu rò rỉ phóng xạ thực sự xảy ra, các trạm trên các núi cao ở biên giới đã ghi nhận những dấu hiệu tương tự hoặc mạnh hơn", bà nói nói. "Dữ liệu là minh bạch. Không có sự che đậy nào".
Một chuyên gia về an toàn hạt nhân giấu tên nói rằng Tây An là nơi có trung tâm nghiên cứu chính cho chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Viện Nghiên cứu Công nghệ Hạt nhân Tây Bắc, do Phòng Phát triển Thiết bị của Quân đội Nhân dân Trung Quốc quản lý, điều hành một loạt các thiết bị phóng xạ trong thành phố bao gồm một lò phản ứng xung và máy gia tốc mạnh. Chuyên gia trên cho biết không thể loại trừ khả năng phóng xạ sinh ra do chính những tác động trong địa phương.
Thông tin đã được giữ kín trước công chúng cho đến cuối tháng 11. Một trong những lý do là để tránh gây tâm lý hoảng loạn. "Cuộc điều tra của chúng tôi vẫn chưa hoàn thành", Zhang Luyuan nói.