Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mối đe dọa phát tán bệnh than từ Triều Tiên nguy hiểm tới đâu?

Kháng thể bệnh than được tìm thấy trong binh sĩ Triều Tiên đào tẩu lại làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến tranh sinh học mà Bình Nhưỡng có thể đang âm thầm chuẩn bị.

Mỹ vừa trừng phạt thêm hai quan chức cấp cao Triều Tiên vào ngày 26/12. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, một vũ khí chết người khác đã gây chú ý trở lại. Loại vũ khí này được chế tạo dễ dàng hơn và ít tốn kém hơn rất nhiều: bệnh than.

Nhà Xanh từ chối xác nhận Tổng thống Moon Jae In và các quan chức cấp cao khác đã được tiêm phòng bệnh than hay chưa.

Mối đe dọa sinh học

Phát ngôn viên Park Soo-hyun của phủ tổng thống cho biết Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc đã mua 1.000 liều vaccine phòng bệnh than để cung cấp cho các đặc vụ chống khủng bố sinh học và dân thường trong trường hợp vi khuẩn bị phát tán. Các vaccine đã được chuyển tới trong tháng 11.

Ông Park cho biết Nhà Xanh đã mua 350 liều vaccine để ứng phó trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, số thuốc này được đặt mua từ trước bởi chính phủ của cựu tổng thống Park Geun Hye sau một tai nạn năm 2015.

Trieu Tien anh 1
Nhân viên cứu hộ mặc trang phục bảo hộ chống chất độc hóa học tham gia diễn tập ứng phó thảm họa tại trung tâm thương mại và triển lãm COEX ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 20/5/2016. Ảnh: AFP/Getty.

Sau đó, có thông tin quân đội Mỹ đã nhầm lẫn khi vận chuyển các vi khuẩn than còn sống dùng để nghiên cứu sang Hàn Quốc và một số địa điểm tại Mỹ, Canada và Australia. Mẫu vi khuẩn được gửi đến Hàn Quốc đã bị phá hủy và cơ sở nhận mẫu đã được khử trùng.

Phát ngôn viên Nhà Xanh khẳng định chính phủ không có kế hoạch tiêm phòng rộng rãi cho người dân.

Thêm vào những lo ngại này, truyền thông Hàn Quốc đưa tin một trong bốn binh sĩ Triều Tiên đào tẩu trong năm nay được phát hiện mang kháng thể chống vũ khí sinh học trong hệ miễn dịch. Điều này cho thấy binh sĩ trên đã được tiêm vaccine phòng bệnh than hoặc từng nhiễm bệnh than.

Trả lời CNN, Cơ quan Tình báo Quốc gia và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết họ không thể xác nhận thông tin này. Bộ Quốc phòng nói thêm rằng 4 binh sĩ đào tẩu được cho là đã làm việc trong đơn vị chiến tranh sinh học của Triều Tiên.

Theo Chiến lược An ninh Quốc gia được phát hành đầu tháng 12 của Tổng thống Trump, Triều Tiên "đã chi hàng trăm triệu USD cho vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học”, bao gồm nghiên cứu về “vũ khí hóa học và sinh học có thể được vận chuyển bằng tên lửa”.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố thông tin này là “vô căn cứ”, đồng thời cáo buộc Mỹ tìm cách “bịa đặt thông tin sai sự thật”.

Từng ký vào Công ước Vũ khí Sinh học (BWC), Triều Tiên "duy trì lập trường nhất quán chống lại sự phát triển, sản xuất, dự trữ và sở hữu vũ khí sinh học", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết.

Triều Tiên cũng lưu ý rằng Mỹ từng cáo buộc Iraq sở hữu vũ khí sinh học và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trước cuộc xâm lược năm 2003. Sau đó, điều này được một ủy ban của chính phủ Mỹ chứng minh là “sai lầm hoàn toàn”.

Các chính quyền Mỹ trước đây cũng từng cáo buộc Bình Nhưỡng phát triển vũ khí sinh học. Báo cáo năm 2004 của phó giám đốc Cục Tình báo Quốc gia cho biết sau khi gia nhập BWC vào năm 1987, Triều Tiên tiếp tục theo đuổi nghiên cứu trong lĩnh vực này.

“Triều Tiên có các nhà khoa học và cơ sở phục vụ sản xuất các chế phẩm sinh học và vi sinh vật cùng khả năng sản xuất các vũ khí sinh học hoặc chất độc truyền thống”, báo cáo cho biết.

Chất độc thần kinh và nhà máy thuốc trừ sâu

Sau vụ ám sát người được cho là Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, quốc tế lại dồn sự quan tâm tới các chương trình vũ khí hóa học và sinh học của Triều Tiên.

Công dân Triều Tiên họ Kim bị hai người phụ nữ tấn công tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur bằng chất độc thần kinh VX. Bình Nhưỡng liên tục phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào tới cái chết của ông Kim trong khi luật sư của hai nữ bị cáo cho biết họ tưởng mình đang tham gia trò chơi khăm trên truyền hình.

Trieu Tien anh 2
Ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong Un, xuất hiện tại sân bay ở Nhật Bản năm 2001. Ảnh: AP.

Theo báo cáo được các nhà nghiên cứu tại Havard công bố hồi tháng 10, “việc đánh giá chính xác mối đe dọa từ chương trình vũ khí sinh học của Triều Tiên là rất khó khăn” vì không như việc thử hạt nhân hay tên lửa, các cuộc thử nghiệm sinh học có thể được tiến hành bí mật. Ngoài ra, nhiều công nghệ được dùng để chế tạo vũ khí sinh học cũng có thể được sử dụng cho mục đích khác, chẳng hạn trong sản xuất thuốc trừ sâu.

Năm 2015, truyền thông Triều Tiên công bố hình ảnh ông Kim Jong Un thăm cơ sở sản xuất thuốc trừ sâu mà các chuyên gia cho rằng có khả năng sản xuất một lượng lớn vũ khí sinh học.

“Phân tích hình ảnh cho thấy Viện Kỹ thuật Sinh học Bình Nhưỡng có thể sản xuất vũ khí hóa học thông thường với số lượng lớn để phục vụ quân đội, đặc biệt là bệnh than”, Melissa Hanham, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin, nhận định.

Vi khuẩn bệnh than được Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ xếp vào tác nhân loại A. Đây là loại tác nhân có thể gây ra mối đe dọa lớn nhất với tác động tiêu cực lên sức khỏe cộng đồng và có khả năng lây lan trên diện rộng.

“Lời khẳng định của Triều Tiên rằng nhà máy này được sử dụng để sản xuất thuốc trừ sâu là cách thức thường được dùng để che đậy chương trình vũ khí sinh học”, Hanham cho biết. Theo bà, việc công bố các bức ảnh về chuyến tham quan của ông Kim “có thể là để ngầm đe dọa Mỹ và Hàn Quốc”.

Báo cáo của Havard cho biết “hàng thập kỷ thu thập thông tin mở đã xác nhận Triều Tiên quan tâm tới việc phát triển chương trình vũ khí sinh học” và có bằng chứng cho thấy nước này có khả năng sản xuất một số loại vũ khí, có thể là lượng lớn vũ khí sinh học, bao gồm bệnh than, độc tố botolinum, bệnh tả, bệnh dịch hạch và bệnh đậu mùa.

Tấn công hủy diệt

Phần lớn chương trình vũ khí sinh học của Triều Tiên vẫn còn là điều bí ẩn, bao gồm cả việc chương trình này còn tiếp diễn hay không.

Bình Nhưỡng chưa bao giờ ngần ngại phô trương năng lực vũ khí của mình và luôn cởi mở khi nói về tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, rất khó để đánh giá liệu việc tham gia BWC có đủ để khiến Triều Tiên che giấu mục tiêu phát triển vũ khí sinh học hay không.

Trieu Tien anh 3
Ông Kim Jong Un xem xét các chai hóa chất của nhà máy thuốc trừ sâu ở Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Một số người Hàn Quốc đang lo ngại về khả năng này. Bất kỳ cuộc xung đột nào với Triều Tiên, dù bắt nguồn từ Bình Nhưỡng, Seoul hay Washington, đều có thể khiến thủ đô Hàn Quốc bị tàn phá. Trước hết là nguy cơ từ hàng nghìn khẩu pháo của Triều Tiên, chưa nói đến tên lửa và các vũ khí khác.

“Tên lửa, máy bay không người lái, phi cơ, máy phun và con người là những phương tiện có thể phát tán vũ khí sinh học”, báo cáo của Havard cho biết và lưu ý thêm rằng tác nhân sinh học “khó giữ được trong đầu đạn tên lửa do sức nóng và điều kiện thay đổi có thể làm suy yếu tác nhân”. Vì vậy, việc vận chuyển vũ khí sinh học bằng tên lửa tầm xa sẽ khó xảy ra.

Việc vận chuyển bằng con người có lẽ là khó ngăn chặn nhất. “Triều Tiên có 200.000 binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt; thậm chí chỉ một số ít trong lực lượng đặc biệt này được trang bị vũ khí sinh học cũng đủ để tàn phá Hàn Quốc”, báo cáo cho biết.

Chính quyền Bình Nhưỡng được cho là có trữ lượng vũ khí hoá học rất lớn, khoảng 2.500-5.000 tấn theo một số ước tính. Triều Tiên không tham gia Công ước Vũ khí Hóa học nhưng phủ nhận theo đuổi một chương trình như vậy.

Bài đăng hồi tháng 6 của Bản tin Khoa học Nguyên tử (Bulletin of Atomic Scientists) cảnh báo Triều Tiên có thể tấn công Seoul bằng “một biển sarin” nếu xung đột bùng phát, lượng chất độc có khả năng giết chết hoặc làm bị thương nghiêm trọng hàng triệu người.

Bệnh than và các tác nhân khác cũng có mức độ nguy hiểm tương tự. Tổ chức Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân (NTI) từng cảnh báo “vũ khí sinh học là loại vũ khí tàn sát cao nhất từng được chế tạo”.

Bên trong nhà máy dệt lớn nhất Triều Tiên Nhà máy dệt lớn nhất Triều Tiên có những máy may hiện đại và các áp phích tuyên truyền dán khắp tường. Hơn 8.000 người làm việc tại nơi này.

Trường đào tạo người Hàn Quốc đối phó với hacker Triều Tiên

Hàng loạt vụ tấn công vào các cơ quan chính phủ, đài truyền hình và mạng lưới ngân hàng đã thôi thúc Seoul phát triển một đội ngũ chuyên gia tin học giỏi để bảo vệ đất nước.

Trump: Trung Quốc đã bị 'bắt quả tang' tuồn dầu cho Triều Tiên

Ông Trump "rất thất vọng khi Trung Quốc cho phép đưa dầu vào Triều Tiên" và nói động thái như vậy ngăn cản "giải pháp thân thiện" đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tuyết Mai (theo CNN)

Bạn có thể quan tâm